Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư tố cáo thân chủ không khác cha đạo đi tố con chiên xưng tội

“Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội. Xã hội có còn tin để nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích của họ nữa hay không?", ông Chiến nói.

Truy cứu trách nhiệm hình sự luật sư do không tố giác thân chủ về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trở thành chủ đề nóng tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 24/5.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Ông Chiến nêu ra một loạt vấn đề như đưa chủ thể luật sư vào xử lý hình sự không có sự khảo sát đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội; cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự hay không.

Hơn nữa, quy định đẩy luật sư vào tình thế không những vi phạm điều cấm đối với luật sư được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Luật sư mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ông Chiến nhấn mạnh đây là một quy định vi hiến. “Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội. Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin để nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ nữa hay không?”, đại biểu Nguyễn Chiến, đồng thời cũng là một luật sư bày tỏ.

Một trong những hệ lụy khi Điều 19 Bộ luật hình sự được thông qua là có thể đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bỗng dưng lại trở thành người bị tình nghi phạm tội.

Luat su to giac than chu anh 1
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định tại Điều 19 rất dễ khiến giới luật sư gặp tai nạn nghề nghiệp. Ảnh: VGP.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) bày tỏ: “Quy định này không chỉ ảnh hưởng luật sư tham gia bào chữa, mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng luật sư và nghề luật sư”.  

Đại biểu Thịnh cũng đề nghị ban soạn thảo giải trình rõ quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nào, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế hay không.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn việc luật sư đi tố cao thân chủ thì sẽ vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. “Luật sư tố giác thân chủ vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Đó còn là hành vi trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phản bội lại niềm tin của thân chủ và thiên chức của luật sư”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề nghị tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Chiến, Đỗ Ngọc Thịnh và Trương Trọng Nghĩa. Bà Thuỷ viện dẫn những quan điểm từ thời phong kiến về tội bất trung luôn phải được xem là tội nặng nhất cần phải được trừng trị. Từ đó, đại biểu này cho rằng, với tội danh này, không thể lấy bất cứ lý do gì, kể cả lý do hoạt động nghề nghiệp để bảo vệ.

“Bảo vệ cho loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, phản bội Tổ quốc thì có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta có thể yên tâm phát triển nghề nghiệp, kể cả nghề luật sư?”, bà Thuỷ đặt câu hỏi.

Sau ý kiến này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị tranh luận lại. Ông Nghĩa cho rằng đây không chỉ là băn khoăn cá nhân mà còn là lo lắng của gần 10.000 luật sư đang hành nghề tại Việt Nam.

Luat su to giac than chu anh 2
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với luật sư không tố cáo thân chủ gây nên sự lo lắng cho gần 10.000 luật sư đang hành nghề tại Việt Nam. Ảnh: VGP.

“Tôi rất thất vọng và không đồng tình khi đại biểu lấy quy định của thời phong kiến về tội bất trung để so sánh”, ông Nghĩa bày tỏ. Theo đại biểu, Việt Nam đã tham gia các Công ước về quyền con người và quyền công dân. Hiến pháp sau nhiều lần sửa đổi cũng đưa quyền con người vào như là một định chế phổ quát và cam kết của Nhà nước Việt Nam.

“Luật sư có trách nhiệm với những người mà Hiến pháp và luật pháp giao để gỡ tội, bào chữa cho họ. Nhưng luật sư không chỉ bào chữa cho tội phạm, luật sư còn bào chữa cho nạn nhân, những người bị thiệt hại. Khi luật sư cãi cho những người phạm tội thì đó là quyền hiến định của họ”, ông Nghĩa nói.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đồng ý quan điểm quyền miễn trừ là không tuyệt đối. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Giao cho luật sư nghĩa vụ tố giác mà không giới hạn lại là phá hỏng quan hệ của luật sư và thân chủ, làm vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp, vai trò bảo vệ công lý bị ảnh hưởng”.

Có nên xử nặng khi trẻ 14-16 tuổi phạm tội?

"Đối với người chưa thành niên, phải xử lý như thế nào để cho các em còn quay lại với cuộc đời còn rất dài phía trước", đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu.

Hà Hương

Bạn có thể quan tâm