Bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Thào Xuân Sùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho biết ông rất quan tâm và theo dõi vụ việc này từ đầu.
Phó trưởng Ban Dân vận nói: "Việc khởi tố vụ án là đúng, nhưng trách nhiệm không chỉ là một cá nhân. Việc khởi tố cá nhân ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội là mới xem xét trách nhiệm người đứng đầu mà thôi".
Theo ông Sùng, sai phạm trong dự án đường ống nước sông Đà liên quan tổ chức, đơn vị được giao thực thi nhiệm vụ. "Như vậy, không chỉ liên quan việc thực hành cụ thể mà còn là chủ trương giải pháp có đúng hay không, liên quan quyết định mà quyết định bao giờ cũng là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, đại biểu Thào Xuân Sùng phân tích.
Lý giải về vấn đề VKSND tối cao chưa phê chuẩn, ông Sùng cho rằng là thận trọng. Ông nói: “Cơ quan cảnh sát đề nghị phê chuẩn là tôi đồng tình. Mỗi người dân Hà Nội rất cần nước, vỡ hàng chục lần mà không khắc phục được thì trách nhiệm xem xét từ chủ trương đến thực hiện, chứ không chỉ mình nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội”.
Đại biểu Thào Xuân Sùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trả lời báo chí. Ảnh: Thắng Quang. |
Theo ông Sùng, khởi tố là cơ hội để cấp uỷ, chính quyền xem xét một cách thấu đáo dự án này, và rút kinh nghiệm trong triển khai dự án lớn liên quan quốc kế dân sinh, liên quan đến người dân.
“Khởi tố là để xem có cố ý hay không, có hành vi phá hoại hay không chứ không có nghĩa là có tội. Đồng chí nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội ấy vẫn là công dân mà”, ông Sùng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng đối với các hành vi sai phạm gây thiệt hại cho xã hội thì cần phải xem xét tính chất, mức độ của hành vi đó để xử lý theo tính chất hình sự của pháp luật.
"Do vậy, bất kể ai khi có hành vi gây hại cho xã hội thì đều cần phải được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật", ông Chiến nêu rõ và phân tích khi cơ quan điều tra đã xem xét, xác định đầy đủ các yếu tố xác định có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự và khởi tố thì cơ quan kiểm sát cũng cần xem xét đề nghị của cơ quan điều tra.
Trao đổi với báo chí, ông Phí Thái Bình cho hay hành vi của mình không phạm tội và "làm phúc phải tội". Về ý kiến này, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay theo quy định của pháp luật đối với một người khi bị xem xét trách nhiệm hình sự như ông Phí Thái Bình thì đều có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.
"Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định là họ có quyền không nhận trách nhiệm hình sự thuộc về mình và không khai báo những gì chống lại họ.
Do vậy, đương nhiên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét trách nhiệm thì người bị tình nghi, khởi tố như ông Phí Thái Bình có quyền khẳng định mình không có sai phạm", đại biểu Chiến khẳng định.
Tuyến ống nước sạch Sông Đà - Hà Nội liên tục bị vỡ ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân thủ đô. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
|
Trao đổi với Zing.vn chiều 22/5, trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND Hà Nội, vì những sai phạm liên quan đến vụ vỡ đường ống nước sông Đà.
Theo người đứng đầu Tổng cục cảnh sát, ngoài ông Bình còn có 6 người khác bị khởi tố. Cả 7 bị can được tại ngoại. Các quyết định khởi tố bị can đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển đến VKSND Tối cao.