Lúc 18h40 ngày 12/1, ngày thứ 5 phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng và 21 người khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã tạm nghỉ. Các luật sư bào chữa đã đưa ra các luận cứ để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc tuyên vô tội cho các bị cáo. Sáng mai (13/1), tòa tiếp tục làm việc.
Trước đó, trong buổi chiều cùng ngày, luật sư của bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trình bày quan điểm về bản luận tội của VKS đối với thân chủ của mình.
Cấp dưới không báo cáo thiếu sót hợp đồng EPC số 33?
Theo cáo buộc, ông Thực biết rõ PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn cùng Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Sau đó, các bị cáo chỉ đạo cấp vốn cho PVC trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cho rằng ông Thực không thành khẩn, đổ tội cho cấp dưới, VKS đề nghị HĐXX tuyên 12-13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng thân chủ của mình không quanh co, thậm chí có những tình tiết cần được xem xét.
Bị cáo Phùng Đình Thực bị đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo luật sư, bị cáo Thực nhận thấy PVC không đủ năng lực làm tổng thầu nên giao Ban chỉ đạo các dự án nhiệt điện than xây dựng phương án liên danh tổng thầu cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Đó là cơ sở để ông Đinh La Thăng ký nghị phê duyệt liên danh tổng thầu thay cho phương án tổng thầu đã ký trước đó.
Người bào chữa cho Phùng Đình Thực cũng cho rằng thân chủ không ép tiến độ dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Qua thu thập tài liệu, luật sư Tuấn nói bị cáo Thực không nhận được các văn bản báo cáo khi thay đổi công nghệ, các thủ tục liên quan gói thầu EPC phải đến tháng 6/2011 mới hoàn thành. Trong các cuộc họp, ông Thực chỉ chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc.
Ngoài ra, ông Đinh Anh Tuấn cũng nói bị cáo Thực không biết hợp đồng EPC số 33 chưa đủ căn cứ pháp lý nên việc ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) đàm phán, ký hợp đồng không cấu thành tội Cố ý làm trái.
Có cùng quan điểm, một luật sư khác bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực cho biết quá trình triển khai, bị cáo Khánh không báo cáo Tổng giám đốc về những vướng mắc, thiếu sót của hợp đồng. Do đó, ông Thực không cố ý làm trái các quy định.
Về hậu quả của hành vi làm trái, luật sư tiếp tục đề cập đến việc giám định thiệt hại. Người bào chữa của bị cáo Thực nói giám định viên tính toán lãi suất số tiền “nằm trong tủ không sinh lãi” của PVN là không thuyết phục. Đó là chưa kể việc PVN và đơn vị thành viên không nằm trong diện điều chỉnh của các quy định do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Các luật sư mong muốn HĐXX xem xét đến các thành tích, nghiên cứu khoa học của bị cáo Phùng Đình Thực đối với ngành dầu khí khi quyết định mức hình phạt.
Theo kết quả điều tra, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thực và Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PV Power ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích, gây thiệt hại hơn 100 tỷ cho Nhà nước.
Nữ luật sư: 'Bị cáo không nguy hiểm cho xã hội'
Cũng trong phiên xử chiều 12/1, nữ luật sư tên Vân bào chữa cho 2 bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) và Trần Văn Nguyên (Kế toán trưởng Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) đề nghị HĐXX và VKS đánh giá lại mức độ cụ thể từng hành vi của bị cáo trong bối cảnh xảy ra vụ án để áp dụng hình phạt phù hợp.
Bị cáo Vũ Hồng Chương bị đề nghị 2-3 năm tù treo. Ảnh: P.D. |
Cơ quan tố tụng xác định ông Chương và ông Nguyên biết hợp đồng EPC số 33 thiếu cơ sở pháp lý nhưng thực hiện chỉ đạo của cấp trên đã làm thủ tục tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng trái quy định cho PVC.
Chứng minh cho nhận định cá nhân, luật sư nói ông Chương là người đầu tiên phát hiện các điểm bất hợp lý của hợp đồng EPC số 33, sau đó cảnh báo tới ông Phùng Đình Thực. Sau khi góp ý không được cấp trên xem xét, ông Chương buộc phải chuyển tiền.
"Bị cáo có trách nhiệm nhưng bất lực vì chỉ đạo của cấp trên", nữ luật sư nói. Theo luật sư, PVN có 5 công văn yêu cầu chủ đầu tư PVPower tạm ứng tiền. Sau đó, chủ đầu tư có nhiều văn bản có nội dung tương tự gửi Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Do cấp trên yêu cầu nên bị cáo phải ký ủy nhiệm chi ngay trong ngày.
Người bào chữa đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn Nguyên (bị VKS đề nghị 2-3 năm tù treo vì bị cáo không nguy hiểm cho xã hội, có hành vi hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra, hành vi phân hóa ở mức độ thấp.
Sáng cùng ngày, các luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh đều cho rằng thân chủ của mình không cố ý làm trái các quy định pháp luật, không chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) ký hợp đồng EPC. Về cáo buộc ông Thanh tham ô tài sản, người bào chữa nói cựu Chủ tịch HĐQT PVC có “chứng cứ ngoại phạm” về việc nhận 4 tỷ đồng.
Các luật sư nhận định Trịnh Xuân Thanh không chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống để lấy quỹ chi đối ngoại, nhận hay sử dụng chung số tiền tham ô như quy kết.