Sau khi cơ quan công tố công bố bản luận tội với 3 bị cáo liên quan vụ chạy thận nhân tạo làm 9 bệnh nhân tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, chiều 23/5, phiên tòa bước vào phần tranh tụng.
Ông Dương phải chịu trách nhiệm chính
Được phép tự bào chữa sau khi VKS luận tội, Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) đã gửi lời xin lỗi đến gia đình các bệnh nhân gặp sự cố khi chạy thận nhân tạo. Quốc cũng cám ơn đại diện người nhà bị hại đã xin giảm hình phạt cho anh ta.
Bùi Mạnh Quốc thừa nhận bản thân không biết sử dụng các loại hóa chất như cáo trạng nêu là trái quy định của Bộ Y tế. Bị cáo nói việc sục rửa máy lọc thận anh ta đã thực hiện ở nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
"Chưa lần nào bên giám sát hỏi bị cáo dùng hóa chất gì?", Quốc nói.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/5. Ảnh: TAND TP Hòa Bình. |
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc) đối đáp với đại diện VKS. Theo ông Dũng, thời điểm xảy ra sự cố hồi tháng 5/2017, không có hợp đồng ký giữa 2 Công ty Trâm Anh và Thiên Sơn. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Thiên Sơn trong vụ án này, bởi công ty trên mới là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với bệnh viện.
Người bào chữa cho rằng thân chủ của ông đã sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hơn 20 lần. Trong những lần đó, bị cáo đều dùng các hóa chất như hôm 29/5/2017.
Theo luật sư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không ban hành quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành hệ thống lọc thận. Do đó, trong vụ án, bệnh viện phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Trong đó, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện) phải chịu trách nhiệm chính.
Ngoài ra, một phần trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về Bộ Y tế. Bởi lẽ, Bộ chưa ban hành quy định về quy trình, kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Sau khi sự cố xảy ra, Bộ Y tế mới ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan.
Nhóm luật sư bào chữa tại phiên tòa chiều 23/5. Ảnh: Hoàng Lam. |
Đại diện VKS đối đáp gì?
Đối đáp lại lời bào chữa của luật sư Dũng, đại diện VKS cho biết tại tòa, Công ty Thiên Sơn và Trâm Anh đều khẳng định đã có thỏa thuận hợp đồng với nhau. Về bản chất, VKS cho rằng đó là hợp đồng dân sự, vẫn có hiệu lực. Do đó, trách nhiệm thuộc về Công ty Thiên Sơn.
Về quy kết cho rằng sau khi sục rửa xong máy lọc nước, Bùi Mạnh Quốc không thấy đồng hồ báo chỉ số ở vị trí cũ nên anh ta đã tiến hành các bước tiếp theo trước khi hệ thống vận hành; đại diện VKS khẳng định nguyên nhân sự cố không xuất phát từ đồng hồ.
Theo nữ công tố viên, trước sự cố, hệ thống máy vẫn hoạt động bình thường. Sau khi tai nạn xảy ra, đồng hồ mới gặp trục trặc. Hơn nữa, chỉ số từ đồng hồ không khẳng định chất lượng nguồn nước.
Nữ kiểm sát viên đối đáp tại tòa. Ảnh: TAND TP Hòa Bình. |
Ngoài ra, VKS thấy chưa có đủ căn cứ để quy kết trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị liên quan như luật sư nêu. Do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét và xử lý trách nhiệm nếu có.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, VKS thấy có những sơ hở trong công tác quản lý của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế. Cụ thể, công tác xã hội hóa về chạy thận chưa được kiểm tra. Do đó, cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể về điều kiện chủ thể được phép sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế vật tư tiệt trùng nước đối với RO dùng cho chạy thận.
Theo đại diện VKS, việc sửa chữa và bảo dưỡng này không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, sáng cùng ngày, đại diện VKSND TP Hòa Bình đề nghị Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức) mức án 30-36 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Trần Văn Sơn 4-5 năm tù cùng tội danh.
VKS cũng đề nghị Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc Công ty Trâm Anh) 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người.