Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lùi 2 năm để biên soạn sách giáo khoa mới

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kéo dài thêm 2 năm so với quy định cũ.

Chiều 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với 438/446 đại biểu tham gia tán thành (chiếm 89,2%).

Như vậy, thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới được lùi 2 năm so với quy định cũ, được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

lui chuong trinh sach giao khoa anh 1
Các đại biểu tham gia phiên họp chiều 21/11. Ảnh: quochoi.vn.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng.

Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định.

Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự: Năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai đối với lớp đầu cấp trung học cơ sở và năm thứ ba với lớp đầu cấp trung học phổ thông.

Đồng thời, chương trình và sách giáo khoa mới cần hoàn thành sau 5 năm từ khi bắt đầu triển khai.

Trước đó, GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - cho biết năm học 2018-2019 sẽ triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.

Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6; dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Với cách thực hiện "cuốn chiếu" này, đến năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ được dạy ở các lớp theo đúng thời hạn nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.

Sách giáo khoa sẽ không còn vị trí độc tôn trong giảng dạy

Dù Bộ GD&ĐT khẳng định không cấm dạy ngoài sách giáo khoa, nhiều chuyên gia cho rằng cách giải thích như vừa qua là không thuyết phục và cần được sửa sai kịp thời.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm