Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thành bại của giáo dục là ở người thầy chứ không phải sách giáo khoa'

Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, giáo viên chỉ dạy trong sách giáo khoa sẽ tạo ra những người có tư duy máy móc, ngoan ngoãn "giả vờ".

Câu chuyện Bộ GD&ĐT đưa ra văn bản  cấm dạy kiến thức ngoài sách giáo khoa (SGK) nhận được sự quan tâm của dư luận khi mở ra cuộc bàn luận về chất lượng của SGK hiện hành và cách dạy học trong nhà trường.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa - Nhật Bản đã có những trao đổi với Zing.vn về vấn đề này.

Có những thứ trong SGK nặng nề, không cần thiết

- Ông đánh giá như thế nào về sách giáo khoa hiện hành ở Việt Nam, trong đó có môn Lịch sử - chuyên ngành ông theo đuổi?

- SGK ở Việt Nam hiện nay được biên soạn và phát hành theo cơ chế “một chương trình - một sách giáo khoa”.

Cơ chế này trên thực tế đã được duy trì quá lâu và tạo ra nhiều vấn đề trong giáo dục cũng như ngăn cản các động thái cải cách tích cực, đặc biệt là động thái “cải cách từ dưới lên” thông qua thực tiễn giáo dục của giáo viên và sự chủ động chương trình của nhà trường.

bo giao duc cam day chuong trinh ngoai sgk anh 1
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: NVCC.

Cơ chế này khiến nhiều người có tâm huyết, tài năng không thể tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa và phụ huynh, giáo viên không có cơ hội lựa chọn bộ sách giáo khoa thích hợp với địa phương, trường học và học sinh, con em của mình. Trong khi đó, điều này là hiển nhiên ở nhiều nước trên thế giới.

Đối với môn Lịch sử, quá trình nghiên cứu so sánh SGK lịch sử hai nước Việt Nam và Nhật Bản, tôi nhận thấy về mặt tư duy, kỹ thuật biên soạn, SGK của Việt Nam đi sau rất nhiều.

Ví dụ, SGK Lịch sử của Việt Nam thường chỉ sắp xếp các nội dung theo kiểu biên niên mà không có cách “lựa chọn” và “trần thuật” theo chuyên đề, trần thuật theo cái nhìn lịch sử dân tộc từ lịch sử khu vực và thế giới hay “lịch sử lội ngược dòng”.

SGK lịch sử ở Nhật cũng chú trọng hệ thống tư liệu gốc và các chỉ dẫn hoạt động, thao tác khai thác hệ thống tư liệu này, trong khi ở SGK Việt Nam chỉ có bài viết của tác giả, phần tranh ảnh, bản đồ có tính chất minh họa và các câu hỏi dành cho học sinh…

- Môi trường giáo dục chỉ dạy trong chương trình sách giáo khoa sẽ tạo ra những học sinh, giáo viên như thế nào? Nền giáo dục đó sẽ có hình hài ra sao?

- Hệ quả dễ thấy nhất của việc giáo viên, học sinh chỉ dạy và học trong chương trình SGK là lối tư duy đơn giản kiểu đúng - sai tuyệt đối. Những học sinh trưởng thành trong môi trường giáo dục như vậy dễ có thế giới quan hẹp, cực đoan hóa sự đúng - sai khi nhìn nhận thế giới, vì thế sẽ thiếu tinh thần khoan dung đối với sự khác biệt và không có tinh thần hợp tác.

Giáo viên dạy học trong thời gian dài dưới lối tư duy đó sẽ trở thành người “độc quyền chân lý”. Họ sẽ trở thành người hạn chế sự phát triển toàn diện, sự sáng tạo và tinh thần truy tìm chân lý ở học sinh. Giáo dục sẽ có nguy cơ tạo ra đội ngũ khổng lồ những người có tư duy máy móc và ngoan ngoãn “giả vờ”.

- Văn bản gây tranh cãi của Bộ GD&ĐT nêu "tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành" và "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK". Vậy, những gì dạy trong SGK là giảm tải?

- Tôi rất băn khoăn với khái niệm “chuẩn kiến thức - kỹ năng” đang được dùng phổ biến ở Việt Nam bởi khó có cái chuẩn nào tuyệt đối do cấp trên đặt ra áp đặt được cho toàn bộ học sinh trong một nước với nhiều thiên hướng, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chỉ giáo viên, nhà trường ở địa phương đó mới có thể xác định được nội dung giáo dục cần thiết cho học sinh của mình.

Chương trình giáo dục hay SGK suy cho cùng chỉ là phương án tham khảo. Khi tư duy như vậy, không phải cứ chỉ dạy những gì trong SGK mới là giảm tải. Có những thứ viết trong SGK rất nặng nề và không cần thiết.

Trong môn Lịch sử, việc có quá tải hay không không phụ thuộc việc sách giáo khoa dày hay mỏng, có viết trong SGK hay không, mà nó phụ thuộc tư duy của giáo viên.

Họ quan niệm giáo dục lịch sử là tạo ra những công dân có nhận thức lịch sử khoa học, có phẩm chất công dân hay chỉ đơn giản là truyền cho học sinh các sự kiện được lựa chọn, sắp xếp sẵn kèm theo kiến giải bất định.

Nếu quan niệm dạy học lịch sử là huấn luyện tư duy và phương pháp của nhà sử học, chuyện SGK dày, mỏng, sử liệu nhiều ít không quan trọng lắm. Nhưng nếu quan niệm là truyền dạy tri thức thì sách giáo khoa dày, nhiều dữ kiện quả thật sẽ gây khó khăn khi người ta phải truyền đạt một lượng lớn thông tin trong thời gian có hạn.

bo giao duc cam day chuong trinh ngoai sgk anh 2
Văn bản gây tranh cãi của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

- Theo ông, đâu là “cuốn sách” tốt nhất: SGK, người thầy hay những gì học sinh tự học hỏi từ cuộc sống?

- Cho dù giáo dục có được cải cách đúng hướng, chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là không bao giờ có được cuốn sách giáo khoa tốt nhất. Đơn giản vì SGK cũng chỉ là công trình của một nhóm tác giả mà thôi.

Các sách đó được nhóm tác giả viết ra với giả định “đối thoại” và “dành cho” một nhóm học sinh giả tưởng của họ. Trên thực tế, đối tượng học sinh rộng lớn và phong phú hơn nhiều. Đó là cơ sở lý luận để tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa và nhiều thực tiễn giáo dục phong phú.

Một nền giáo dục tốt là bao dung và tạo điều kiện cho sự đa dạng, phong phú phát triển. Quyết định sự thành bại của giáo dục nằm ở người thầy chứ không phải SGK.

Người thầy tốt sẽ biết sử dụng cuốn sách tài liệu phù hợp, thậm chí ngay cả khi SGK tồi, họ cũng vẫn biết tìm ra lối đi riêng để tạo ra các thực tiễn giáo dục tốt. Sẽ không có cuốn SGK nào chỉ dẫn, đưa ra đáp án cho học sinh suốt cả cuộc đời. Nhà trường phải giúp tạo ra những người học có tư duy và năng lực tự tìm lời giải đáp cho chính mình trên chặng đường đời đó.

Ở Nhật, 1.000 giáo viên sẽ tạo ra 1.000 giáo dục thực tiễn khác nhau

- Ông có thể chia sẻ thêm về SGK ở Nhật Bản?

- SGK ở Nhật Bản có lịch sử khá lâu đời và trải qua nhiều thay đổi. Hiện nay, Nhật thực hiện chế độ SGK kiểm định, nghĩa là Nhà nước thẩm định bản thảo và cấp phép cho các nhà xuất bản tư nhân làm sách.

Nhà nước không đầu tư tiền, không lựa chọn tác giả, không can thiệp vào bản thảo mà chỉ xét duyệt và có ý kiến khi các nhà xuất bản đăng ký thẩm định.

Nếu bản thảo đạt yêu cầu, Bộ giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ sẽ đóng dấu chứng nhận SGK. Nếu chưa đạt, họ sẽ yêu cầu sửa chữa hoặc đánh trượt.

Các nhà xuất bản có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện dân sự nếu cảm thấy không thỏa đáng. Các SGK sau khi được cấp phép sẽ được công bố rộng rãi để các địa phương, trường lựa chọn. Đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở (bậc giáo dục nghĩa vụ), Nhà nước sẽ mua sách theo danh sách đăng ký và cấp phát miễn phí cho học sinh.

Về nội dung và kỹ thuật biên soạn thì riêng đối với SGK Lịch sử, cho dù bị chỉ trích bởi cả các nước láng giềng và chính giới học giả trong nước, thậm chí bị cả giáo sư Ienaga Zaburo kiện trong suốt 30 năm, sách đã liên tục được cải tiến và tương đối phong phú với hệ thống sử liệu gốc cho học sinh và giáo viên khai thác, giúp giảm tính chủ quan của người viết.

- Ở Nhật, chuyện về sử dụng sách giáo khoa được các giáo viên thực hiện như thế nào?

- Ở Nhật, Luật giáo dục cơ bản và Luật giáo dục trường học quy định vai trò của Nhà nước trong phát triển giáo dục vẫn khẳng định và bảo đảm “quyền giáo dục” của giáo viên và quốc dân.

Chính vì vậy, các thực tiễn giáo dục - những gì giáo viên thực hiện trong thực tế ở trường học có tính độc lập tương đối với chương trình và SGK. 1.000 giáo viên sẽ tạo ra 1.000 thực tiễn giáo dục khác nhau.

Cái chia sẻ chung giữa họ là mục tiêu, triết lý giáo dục được quy định trong Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học. Ở đó, chương trình và SGK trở thành tài liệu tham khảo quan trọng nhưng không phải duy nhất và tuyệt đối. Sinh hoạt chuyên môn của giáo viên chủ yếu thể hiện ở việc tạo ra các thực tiễn và nghiên cứu chúng.

'Bộ Giáo dục cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa là vô lý'

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, sách giáo khoa là một trong những yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản để phù hợp thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.

Trong đó, Bộ GD&ĐT: Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK".

Ngay sau khi bị dư luận, giáo viên phản ứng về yêu cầu của công văn trên, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, văn bản trên gây hiểu lầm, điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa

Yêu cầu tuyệt đối không dạy các nội dung ngoài sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT gây những ý kiến trái chiều.



Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm