Tại buổi làm việc giữa Thành ủy TP.HCM với Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ngày 21/2, một số lãnh đạo trường cho biết lương giảng viên trẻ hiện nay quá thấp. Không ít người giỏi "nhảy việc" sang trường quốc tế hoặc những đơn vị trả lương cao hơn.
Trước thực trạng đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt câu hỏi: "Nếu anh trả lương 3 triệu đồng làm sao thu hút được người giỏi ở lại trường?".
Thực trạng lương thấp và "chảy máu chất xám" tồn tại từ lâu trong ngành giáo dục, đến nay chưa có lời giải hữu hiệu. Nhiều thầy cô thừa nhận nếu mưu cầu cuộc sống cao, nghề giáo không phải lựa chọn đúng.
Cô Nguyễn Ngọc - giáo viên dạy tiếng Anh cấp ba ở Quảng Trị - tâm sự sau 6 năm gắn bó nghề dạy học, mức lương hiện tại khoảng 4,1 triệu đồng. Ngoài thời gian đi dạy, nữ giáo viên phải trồng trọt, chăn nuôi và thỉnh thoảng bán hàng trên mạng để tăng thêm thu nhập.
"Mức lương của chồng tôi cũng tương đương. Hiện tại, chúng tôi nuôi một con còn được, nếu sinh cháu thứ hai sẽ rất vất vả", cô Ngọc nói.
Mức lương thấp khiến cuộc sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Việt Hùng. |
'Chảy máu chất xám'
Thầy Thanh Tùng - giảng viên tiếng Anh ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể: “Với mức lương 4,5 triệu đồng, tôi chỉ đủ tiền thuê nhà và đi lại. Tôi phải dạy thêm, làm các dự án bên ngoài để kiếm thêm. Nhiều đồng nghiệp của tôi còn chấp nhận thuê nhà xa nơi làm để tiết kiệm tiền”.
Nam giảng viên bảo lý do gắn bó với nghề chủ yếu vì đam mê. Chấp nhận sống được với đam mê thì phải tự thân vận động, tự cứu lấy mình, chứ không trông mong gì ở đồng lương eo hẹp.
“Tôi thực sự ái ngại mỗi lần bạn bè hỏi thăm lương bổng. Cùng tốt nghiệp với mình, nhiều bạn làm công ty nước ngoài có mức lương cao hơn rất nhiều”, anh Thanh Tùng kể.
Chia sẻ quan điểm trên, chị Minh Hạnh - giảng viên tại TP.HCM - cho rằng: “Rất khó để giảng viên có thể sống bằng lương, trừ trường hợp có vợ hoặc chồng làm nghề khác có thu nhập cao. Thực tế, giảng viên phải đi dạy nhiều nơi với nhiều hình thức để kiếm tiền”.
Cô Hạnh nói với Zing.vn rằng dù nghề giáo cao quý, được xã hội coi trọng, giảng viên cũng phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Muốn tận tụy, cống hiến với nghề, giảng viên phải sống được bằng lương. Nếu không, những lời mời gọi từ công ty nước ngoài, trường quốc tế sẽ khiến giảng viên ra đi.
Anh Phạm Thanh - giảng viên khoa Điện - Điện tử, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - kể lại năm 2006, khi học nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc, các bạn nđến từ Bangladesh cho biết học xong, quay về đất nước làm, mức lương từ 600 - 1.000 USD, trong khi về Việt Nam lúc đó chỉ 100 - 200 USD/tháng.
"Nếu nghiên cứu tiến sĩ ở châu Âu, học viên nhận được mức lương khoảng 2.900 euro/tháng, trừ thuế còn 2.200 euro. Nhưng khi về Việt Nam, mức lương vài triệu đồng làm họ không thích ứng được. Thu nhập là lý do chính khiến họ không mặn mà quay về cống hiến", anh Thanh nêu quan điểm.
Thầy Nguyễn Quang - giáo viên dạy tiếng Anh cấp THPT tại Chương Mỹ, Hà Nội - cho biết với mức lương ít ỏi của nghề giáo, gần như thầy cô nào cũng phải làm bên ngoài, trừ khi gia đình có điều kiện.
Nam giáo viên cho biết ban đầu, thầy vừa dạy ở trường, vừa dạy ở trung tâm. Sau đó, dạy trong trường chịu nhiều áp lực, lương quá thấp, thầy Quang quyết định nghỉ ở trường và chuyên tâm dạy ngoài.
Chỉ mong đồng lương tương xứng
Đề cập nguyện vọng về chế độ đãi ngộ cho giảng viên, thầy Tâm nói chỉ mong đồng lương nhận được tương xứng với những gì mình bỏ ra.
Cô Ngọc nhận định nguyện vọng chung của giáo viên là có mức lương cơ bản cao hơn, cơ hội nâng lương trước thời hạn nhiều và dễ hơn. Hiện tại, cơ hội nâng lương trước thời hạn còn nhiều hạn chế như phải được cất nhắc, phải tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, có công trình nghiên cứu khoa học hoặc là giáo viên dạy giỏi.
Thầy Thanh thì đề xuất các trường đại học có thể tiến tới tự chủ kinh phí để nâng sức cạnh tranh. Ở trường dân lập, dù yêu cầu đến trường làm việc full-time, đổi lại, giáo viên có điều kiện phòng ốc, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lương bổng để yên tâm nghiên cứu khoa học, giảng dạy.
Trong khi ở các trường công lập, giảng viên còn không có nổi chỗ ngồi làm việc, cứ đến dạy rồi về như trung tâm dạy kèm.