Nghiên cứu năm 2013 của Tổ chức Varkey Gems đã khảo sát địa vị xã hội của giáo viên và nhận thấy giáo viên ở châu Á nhận được sự tôn trọng lớn, đặc biệt tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. GS Peter Dolton cho biết nó dựa trên lịch sử, giá trị và phong tục của từng nền văn hóa.
Tại Mỹ, xã hội tập trung vào thu nhập tài chính. Địa vị của giáo viên liên quan thu nhập của họ. Trong khi đó, Trung Quốc là nơi đề cao văn hóa tôn trọng tiền bối. Do đó, giáo viên có địa vị cao bất chấp thu nhập ít ỏi.
Theo báo cáo của OECD, châu Âu là nơi trả lương cho giáo viên cao nhất, điển hình là Luxembourg - một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Giáo viên giàu kinh nghiệm ở nước này có thể nhận lương 137.000 USD/năm.
Lương giáo viên tiểu học tại các quốc gia, tính theo USD/năm. OECD cho biết danh sách khảo sát các nước của họ không đầy đủ. Ảnh: Kim Ngân. |
Ở Luxembourg, lương khởi điểm của giáo viên chưa có kinh nghiệm cao hơn hầu hết số tiền mà giáo viên ở những nơi khác hy vọng nhận được trong suốt sự nghiệp của họ. Ngoại lệ duy nhất là Thụy Sĩ, nơi mà những giáo viên giàu kinh nghiệm nhất mới được trả lương cao hơn giáo viên mới vào nghề ở Luxembourg.
Theo Business Insider, tại Thụy Sĩ, giáo viên tiểu học giàu kinh nghiệm nhất kiếm được 92.000 USD/năm và 103.000 USD/năm đối với người dạy ở trung học.
Đứng sau Luxembourg và Thụy Sĩ là Đức. Theo CNN, trong 10 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng về lương giáo viên trung học, 6 vị trí thuộc về các quốc gia châu Âu. Trong khi đó, con số này đối với bảng xếp hạng về lương giáo viên tiểu học là 5.
Lương giáo viên trung học tại các quốc gia, tính theo USD/năm. OECD cho biết danh sách khảo sát các nước của họ không đầy đủ. Ảnh: Kim Ngân.
|
Trong báo cáo gần đây nhất, OECD cho rằng lợi ích và điều kiện làm việc là những yếu tố quan trọng trong việc thu hút, phát triển và duy trì giáo viên giỏi có kinh nghiệm cao. Do đó, các nhà chính sách nên cân nhắc kỹ lưỡng mức lương dành cho giáo viên như một biện pháp quản lý chất lượng giảng dạy và là ngân sách cho phát triển giáo dục bền vững.
Theo tổ chức này, suy thoái kinh tế năm 2008 đã ảnh hưởng trực tiếp đến lương giáo viên. Một số nơi giữ nguyên mức. Song, một số nơi khác bị cắt giảm.
Trong giai đoạn 2005-2015, lương của giáo viên tại 1/3 trong tổng số các quốc gia mà OECD có dữ liệu bị giảm. Mức giảm ở Anh và Bồ Đào Nha là 10%. Trong khi đó, con số này tại Hy Lạp lên tới 28%.
"Nếu muốn làm cho nghề này trở nên hấp dẫn, bạn hãy cho họ những hỗ trợ tốt nhất", Andreas Schleicher, Giám đốc phụ trách giáo dục và các kỹ năng của OECD, nhấn mạnh.