Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp

"Tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo" - nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, nhưng cho đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, khiến cho tất cả những mong muốn đổi mới giáo dục đều không thực hiện được đến nơi đến chốn.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy, cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp do nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải dạy thêm, dẫn đến dạy thêm tràn lan.

Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề làm thầy lẫn người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội.

- Nếu đặt vấn đề tăng lương cho giáo viên, theo bà, tăng đến mức nào là phù hợp?

- Trong các kiến nghị, chúng tôi có nhấn mạnh vào việc sửa đổi chính sách lương, phụ cấp, đồng thời cải thiện điều kiện nghề nghiệp, đãi ngộ, mức sống đáp ứng được yêu cầu của nhà giáo và gia đình họ. Mức sống này phải được xác định là trên mức trung bình của xã hội.

Về thu nhập cụ thể, theo tôi, những nước khác làm được thì ta cũng phải làm được. Như ở Phần Lan, giáo viên là nghề có thu nhập cao, Hàn Quốc cũng xác định thu nhập của nhà giáo ở mức cao.

- Gần đây, nhà nước đã cố gắng tăng thêm 30% phụ cấp cho giáo viên đứng lớp. Có thể chưa được như mong muốn, nhưng so với lương của hệ thống viên chức nhà nước nói chung là khá cao. Nếu tiếp tục đặt vấn đề tăng lương giáo viên, thì như thế nào là hợp lý, thưa bà?

- Có thời kỳ nhà nước ta đã nêu ra vấn đề lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp. Như vậy, theo tôi, đã có lúc chúng ta thấy được vấn đề nhưng không thống nhất được quan điểm và sự thực là chưa giải quyết vấn đề. Muốn vị thế trong xã hội của thầy, cô giáo cao lên, muốn thầy, cô giáo gắn bó với nghề, muốn thu hút người giỏi làm nghề dạy học, thì phải trả lương cao cho thầy, cô giáo. Tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo.

Bây giờ nhiều thầy không gắn bó với nghề. Học sinh khá, giỏi không muốn vào học sư phạm. Như thế thì giáo dục làm sao có chất lượng? Cái gốc vấn đề là ở đấy!

Hơn nữa, vấn đề đổi mới, hay cải cách giáo dục không chỉ tốt cho nhà trường mà sẽ nâng cao được cả văn hóa, đạo đức xã hội. Người giáo viên tốt thì con em chúng ta sẽ tốt hơn, xã hội tốt hơn.

- Đã từng có ý kiến cho rằng nên có quỹ hỗ trợ dành cho giáo viên, huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các công ty, tập đoàn… Theo bà, vấn đề xã hội hóa trong việc tăng thu nhập cho giáo viên nên được nhìn nhận như thế nào?

- Xã hội hóa giáo dục trong giai đoạn này là chủ trương đúng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, đối với việc học tập của con em chúng ta, Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Nhà nước có thể lo bằng nhiều cách, trong đó có biện pháp xã hội hóa, nhưng bằng cách gì thì Nhà nước vẫn phải đảm bảo, vẫn phải chịu trách nhiệm.

- Có nên đặt ra vấn đề phân cấp giáo viên để phân cấp thu nhập hay không, thưa bà? Giáo viên giỏi, dù trẻ, nhưng phải có thu nhập cao hơn giáo viên bình thường khác?

- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, thâm niên là đặc thù của nghề giáo, càng làm lâu trong nghề càng phải khuyến khích. Còn đối với người giỏi, ở đây phải đặt ra vấn đề bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ. Trình độ đến đâu đãi ngộ đến đó. Nhóm nghiên cứu chúng tôi đề xuất toàn bộ giáo viên phổ thông phải có trình độ từ đại học trở lên. Phải nâng trình độ giáo viên lên và xóa bỏ ngay quan điểm lạc hậu lớp thấp chỉ cần trình độ thấp.

Đối với khoa học giáo dục hiện đại, những năm đầu của trẻ là giai đoạn hình thành nhân cách, tư duy. Vì vậy, bậc học càng thấp càng đòi hỏi ở người giáo viên nhiều hơn.

- Theo bà, với tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay, tăng lương có giải quyết được tình hình?

- Vấn đề dạy thêm học thêm hiện nay khó chống, nguyên nhân là người giáo viên phải làm thêm để có thu nhập đảm bảo đời sống. Vì vậy, dạy thêm rất khó cấm, và thực tế hiện nay là vẫn không thể chống được. Nếu giải quyết thỏa đáng đãi ngộ, lương bổng để giáo viên và gia đình có cuộc sống tươm tất, đàng hoàng thì theo tôi, không cần cấm đoán, giáo viên cũng sẽ không dạy thêm nữa.

- Lực lượng giáo viên hiện nay đông, nguồn lực quốc gia có hạn. Vậy một lộ trình tăng lương sẽ như thế nào để cân đối, trong mối tương quan với bảng lương của các ngành nghề khác?

- Trước mắt hãy cứ thực hiện công bằng, tính đủ lao động cho người thầy. Công chức, viên chức làm việc 8h/ngày. Người thầy ngoài giờ lên lớp còn phải chấm bài, soạn giáo án... Ở các thành phố lớn, giáo viên không chỉ dạy một lớp 35 học sinh như quy định, mà số lượng học sinh phải phụ trách có khi lên tới 50-60 em. Vậy hãy tính đủ sức lao động cho họ. Chưa cần nói gì đến việc ưu ái hơn nhưng trước mắt cứ tính cho công bằng đã. Cũng cần thiết phải cải cách quản lý, phải làm sao để người giáo viên làm việc có mức độ vì họ còn gia đình, cuộc sống riêng.

Hãy làm tốt những vấn đề nhà nước đã đặt ra như thâm niên, phụ cấp dạy thêm giờ, sĩ số lớp... Rồi sau đó hãy đặt tới vấn đề đưa lương của giáo viên đứng đầu trong bảng lương sự nghiệp.

- Nhân dịp Đảng đang thực hiện việc thi hành Nghị quyết IV T.Ư khóa XI sẽ bàn về đổi mới trong giáo dục, bà có kỳ vọng gì vào cuộc họp lần này?

- Thật sự tôi muốn một cuộc “cải cách”, chứ không chỉ dừng ở “đổi mới” trong giáo dục. Tôi hy vọng những người lãnh đạo ngành có quan điểm, nhận thức đúng mức, quyết tâm thực hiện những điều mình nêu ra. Tất nhiên, không thể một lúc mà đề ra hết được mọi vấn đề. Nhưng tôi mong rằng, với mục tiêu đã có, với quan điểm đúng, kỳ họp sẽ chỉ ra được những giải pháp quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới, trong đó có vấn đề người thầy.

Đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đã đặt ra nhiều vấn đề nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nhóm nghiên cứu khảo sát thu nhập của GV qua bảng lương cho thấy: Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Tính theo năm công tác thì lương GV sau 13 năm từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Với số lượng GV như hiện nay, chỉ khoảng 50% số GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân.

Từ đó cho thấy, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị. Khoảng trên 40% không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/luong-giao-vien-phai-cao-nhat-trong-cac-nganh-su-nghiep-86311.bld

Theo Ngân Hạnh/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm