Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ly dị vợ, đòi cả chai dầu thơm

Trong phiên tòa ly hôn, anh chồng quyết đòi lại những món quà đã tặng vợ, gồm chai dầu thơm Chanel, chiếc giỏ xách Gucci, khăn quàng cổ bằng lụa tơ tằm, chiếc nhẫn vàng trắng nhỏ...

Ly dị vợ, đòi cả chai dầu thơm

Ly dị vợ, đòi cả chai dầu thơm

Ảnh: Corbis.com.

Trong phiên tòa ly hôn, anh chồng quyết đòi lại những món quà đã tặng vợ, gồm chai dầu thơm Chanel, chiếc giỏ xách Gucci, khăn quàng cổ bằng lụa tơ tằm, chiếc nhẫn vàng trắng nhỏ...

Đó là trường hợp của một cặp vợ chồng còn trẻ, rất đẹp đôi. Chồng là người Canada, giáo viên tại một trường Anh ngữ. Vợ là người Việt, nhân viên một văn phòng đại diện nước ngoài tại TP HCM.

Anh sang du lịch Việt Nam, bị tiếng sét ái tình không thể xa chị được nữa. Gia đình chị không đồng ý con rể Tây, sợ mất con gái, ra sức cấm cản. Thuyết phục gia đình không được, chị vẫn quyết tâm đến với anh. Họ cưới nhau, thuê một căn hộ chung cư ở riêng. Chị xin việc cho anh tại một trung tâm ngoại ngữ. Tiền lương hằng tháng, hai người gộp lại tiêu chung. Hạnh phúc luôn lấp lánh trong nụ cười, ánh mắt của chị.

Cho đến một ngày, sau chuyến đi Thái Lan của anh, chị phát hiện trong laptop của chồng một clip cảnh anh ân ái mặn nồng với một cô gái Thái. Vậy là hai người đưa nhau ra tòa, khi chưa kịp kỷ niệm hai năm ngày cưới.

Vì họ chung sống chưa được bao lâu, lại ở nhà thuê, tài sản chung chưa phát sinh nên không có tranh chấp về tài sản. Nhưng, những tranh chấp về đồ vật lưu niệm thì lại quá... sốc.

Ly hôn, trong nhiều trường hợp là giải pháp cần thiết cho những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi khi nó lại khơi lên sự hận thù, nhất là khi người chồng vừa dứt tình vừa cạn nghĩa.

Chuyện của chị Mai (Nam Định) là một ví dụ. Mười lăm năm trước, chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Hoàng, được cha mẹ chồng cắt cho miếng đất. Anh làm thợ hồ, ở đâu có công trình là đến xin việc, dăm ba tháng mới về thăm vợ một lần. Chị thì ngoài việc đồng áng, còn thức khuya dậy sớm chạy chợ kiếm thêm, phần nuôi con ăn học, phần dành dụm xây nhà. Sau bảy năm vất vả, từ nhà tranh vách đất, anh chị đã có được căn nhà ngói khang trang chừng 25 m2. Hai đứa con gái lần lượt ra đời.

Từ ngày cô con gái thứ hai ra đời, anh sinh tật rượu chè, trai gái. Chị can ngăn, anh còn vặn lại: "Mày không biết đẻ con trai thì để tao tự đi kiếm". Chị không chấp nhận, anh đánh đập, ruồng rẫy. Sống ngay cạnh nhà cha mẹ chồng nhưng chị cũng không được ông bà che chở, thậm chí còn bị họ đối xử lạnh nhạt. Chị quyết định ly hôn, yêu cầu tòa cho mình được nuôi hai con.

Không ngờ, phần tài sản, anh Hoàng yêu cầu tòa chia đến cả những con vật nuôi trong nhà: Mười con gà mái đang ấp ổ, 20 con vịt sắp đến ngày cho trứng và cả hai con chó mà hai đứa con suốt ngày quấn quýt.

Vị thẩm phán nhân hậu đã từ tốn phân tích với chồng chị: Anh không muốn cho chị ấy, thì cho các con, lọt sàng xuống nia, đi đâu mất mà sợ. Một con gà, anh được một bữa nhậu, một con chó thì vài ba bữa chứ bao nhiêu. Anh còn trẻ, lấy đâu chẳng được vợ. Còn chị, tàn tạ thế kia, lại ôm hai đứa con, làm sao đi bước nữa?

Nghe vị thẩm phán nói, nước mắt chị cứ chực trào. Vậy mà chồng chị vẫn dửng dưng, một hai đòi "phải chia tất tật". Căn nhà hai vợ chồng nhọc nhằn gây dựng, anh ta bảo đó là tài sản riêng của mình, không chia chác cho ai hết. Chiếc xe đạp từ thời anh chở chị ra cây đa đầu làng tâm tình, nay các con dùng đi học, đứa buổi sáng, đứa buổi chiều, cũng phải "cưa đôi". Cuối cùng, ông chồng phán: nếu có cho không thì chỉ cho mỗi cái chạn bát đĩa chẳng còn cái nào nguyên vẹn.

Vị thẩm phán quá bức xúc, đã tạm hoãn phiên tòa, xin ý kiến lãnh đạo. Cuối cùng, ông đành phải bấm bụng phân cho chị đàn gà vịt để bọn trẻ có nhỡ bữa cũng còn trứng mà ăn, còn ông chồng nhận hai con chó. Chiếc xe đạp thì tính giá trị sử dụng còn lại 100.000 đồng, chị "đóng" cho chồng 50.000 đồng, để con còn phương tiện đi học.

Chuyện của chị phân chia tài sản của vợ chồng chị Phạm Thị Bách (Đồng Nai) cũng rất ly kỳ.

Năm 2007, chị Bách đệ đơn ly hôn với chồng dù hai người đã có bốn mặt con (con lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi). Quyết định ly hôn của tòa được đưa ra dễ dàng sau khi hai bên thuận tình. Nhưng 3.400 m2 đất vườn (trên đó có một căn nhà cấp 4 hơn 100 m2 được xây dựng năm 2005), là tài sản chung của hai vợ chồng suốt từ năm 1993 đến nay, bỗng dưng bị người cha chồng làm đơn tranh chấp, đòi lại, có sự "hậu thuẫn" của con trai (tức người chồng vừa ly hôn của chị Bách).

Diện tích đất này chị Bách đã mua lại của cha chồng với giá năm chỉ vàng, chắt bóp từ bao nhiêu năm buôn thúng bán bưng của mình. Năm 2006, chị cùng chồng cùng đứng tên trong sổ đỏ.

Nghĩ đi nghĩ lại, chị chỉ có sai lầm duy nhất, mà bất cứ người vợ nào cũng có thể mắc phải vì tin cậy chồng trong thời kỳ đang sống hạnh phúc: để chồng cùng cha chồng (không có chị đi kèm) đến nhà ông trưởng khu phố làm chứng việc sang nhượng. Để đến bây giờ, khi không còn yêu thương nhau nữa, anh chồng lật lọng.

Trước tòa, anh ta nói, thuở ấy, do tham lam, muốn chiếm đoạt đất của cha, nên anh ta đã giả làm giấy tờ sang nhượng. Bây giờ, anh ân hận vì đã làm điều vô lương tâm, nên thú thật việc giả mạo, sẵn sàng chịu sự trừng phạt của pháp luật, cốt sao lấy lại đất trả cho cha. Càng không may cho chị, ông trưởng khu phố (người làm chứng việc sang nhượng năm xưa), giờ đã chết. Việc tranh chấp của chị đầy gian nan. Người chồng tuyên bố trước tòa sẽ trả công 24 năm làm vợ cho chị bằng... tiền mặt.

Theo Phụ Nữ

Theo Phụ Nữ

Bạn có thể quan tâm