Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do bộ phim lấy ý tưởng từ truyện cổ tích Việt thu hút khán giả

Được phát sóng tập đầu vào ngày 1/11, loạt phim truyền hình "Rồng rắn lên mây" lấy ý tưởng từ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam hiện thu hút sự quan tâm của người xem.

Teaser phim truyền hình Rồng rắn lên mây Bộ phim truyền hình "Rồng rắn lên mây" được chuyển thể từ truyện cổ tích Việt Nam thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ tập đầu.

Bộ phim được lấy ý tưởng từ kho tàng truyện cổ tích mang tên Rồng rắn lên mây đã  chính thức phát sóng tập đầu tiên vào ngày 1/11. Trước đó, đoàn làm phim đã giới thiệu tới công chúng nhiều đoạn teaser cả về nội dung tác phẩm cũng như hậu trường. 

Chưa đầy một tuần kể từ khi đăng tải, đoạn teaser phim cổ trang Việt đã thu hút hơn 30.000 lượt xem (view), gần 14.000 lượt tương tác (engagement) và 210 lượt chia sẻ (share) trên trang chủ của đơn vị sản xuất.

phim rong ran len may anh 1
Bộ phim truyền hình cổ tích Rồng rắn lên mây nhận được phản hồi tích cực của khán giả. 

Điều này đã giúp tập đầu tiên của loạt phim, được dàn dựng từ câu chuyện Cậu bé thông minh, nhận được sự quan tâm và ủng hộ nồng nhiệt không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh.

Phục trang thế kỷ 18-19 được phỏng dựng chỉn chu, đẹp mắt

Phim cổ tích Việt Nam luôn vấp phải không ít định kiến và ý kiến trái chiều, đặc biệt về vấn đề tạo hình nhân vật.

Trong quá trình chuẩn bị, nhà sản xuất dành nhiều thời gian để thu thập, tham khảo các tư liệu được ghi chép tại các bộ sách như Ngàn năm áo mũ (nhà nghiên cứu Trần Quang Đức), Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (nhà cổ học Trần Đình Sơn), Ký họa về Đông Dương Nam Kỳ (Monographie Dessinée de l'Indochina Cochinchine), Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính)… để đưa ra phương án thiết kế phục trang phù hợp. 

Với mục tiêu tôn trọng lịch sử trang phục Việt, ê-kíp sản xuất Rồng rắn lên mây đã phối hợp với Ỷ Vân Hiên - đơn vị chuyên nghiên cứu, phục dựng, phỏng dựng cổ phục của dân tộc Việt Nam - để đưa ra những tạo hình nhân vật thời Nguyễn chuẩn xác nhất. 

phim rong ran len may anh 2
Ê-kíp sản xuất đầu tư nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tài liệu để đưa ra tạo hình nhân vật sát với lịch sử nhất. 

10 tập phim đầu của loạt phim đã đầu tư hơn 50 bộ trang phục phỏng dựng theo lối phục trang và phục sức thời nhà Nguyễn vào thế kỷ 18-19.

Các nhân vật bá hộ, địa chủ, vua quan, nông dân, thôn nữ thế kỷ 18-19 xuất hiện trong cảnh phim với tạo hình chân thực, chỉn chu và hợp thời đại. Mỗi nhân vật đều được chú ý phục sức đúng theo địa vị và giai tầng xã hội.

Được "thổi hồn" bởi đạo diễn chuyên dòng phim thiếu nhi Nguyễn Minh Chung

Đạo diễn Nguyễn Minh Chung là tên tuổi quen thuộc với khán giả qua loạt phim truyền hình Kính vạn hoa, Người mẹ nhí, Gia đình vui nhộn… Anh cũng là đạo diễn của series phim truyền hình cổ tích Việt Nam đầu tiên được dàn dựng vào 20 năm trước.

Trong loạt phim cổ tích mới, đạo diễn Nguyễn Minh Chung hứa hẹn sẽ nâng truyện cổ tích Việt Nam lên tầm vóc mới, mang hơi thở đương đại. Ngoài ra, đơn vị sản xuất cũng mong muốn thông qua tác phẩm giúp khán giả nhí tiếp cận đúng đắn với nền tảng văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Được đầu tư công phu về bối cảnh, trang phục, Rồng rắn lên mây sẽ tái hiện các chi tiết mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử trong từng tập phim. Những bài đồng dao, câu ca dao, tục ngữ cũng được chọn lọc và lồng ghép khéo léo vào lời thoại nhân vật.

phim rong ran len may anh 3
Tác phẩm được "thổi hồn" bởi đạo diễn chuyên về dòng phim thiếu nhi, Nguyễn Minh Chung. 

Rồng rắn lên mây, bộ phim được lên ý tưởng và viết kịch bản dựa trên những câu chuyện cổ tích quen thuộc, sẽ được tái hiện trên màn ảnh một cách hấp dẫn, chỉn chu. Đây là một trong những dự án được đầu tư nhất dành cho các em thiếu nhi và đối tượng khán giả gia đình.

Loạt phim dự kiến gồm 3 mùa phát sóng. Mùa một là 10 câu chuyện cổ tích được chế tác mới thành 20 tập, gồm Cậu bé thông minh, Của Thiên trả Địa, Sự tích hoa râm bụt, Sự tích hoa cúc chi, Sự tích cây vú sữa, Tam và Tứ, Sự tích ông Táo, Lọ nước thần, Hai cô gái và cục bướu, Cây tre trăm đốt.

Phim Việt vào top 5 châu Á hay sẽ chết yểu như thời 'mỳ ăn liền'?

Top 5 thị trường điện ảnh châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... không phải là mục đích quá xa, nhưng rất khó để đạt được của điện ảnh Việt.


Nghiêm Ngọc

Bạn có thể quan tâm