Bưởi còn gọi là bòng. Tên khoa học Citrus maxima (Burm) Merrill; Citrus grandis Osbeck, thuộc họ CamRutaceae.
Bưởi là loại cây to, cao 10-13 m, vỏ thân màu vàng nhạt, đôi khi ở kẽ nứt thân chảy ra một thứ gôm nhựa.
Cành có gai dài, nhọn. Lá hình trứng, dài 11-12 cm, rộng 4,5-5,5 cm, hai đầu tù, cuống có dìa cánh to. Hoa đều, to, mọc thành chùm 6-10 hoa, rất thơm.
Quả hình cầu to, có khi to bằng đầu người lớn, vỏ dày, màu thay đổi tùy theo giống.
Bưởi được trồng khắp nơi ở nước ta, nổi tiếng có bưởi huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, miền Nam có bưởi Năm roi…
Mùa hoa: Tháng 3-5, mùa quả: Tháng 8-11.
Người ta trồng chủ yếu để lấy quả ăn, lấy hoa ướp thơm thức ăn, bánh trái hoặc cất nước hoa bưởi. Ngoài ra, loại cây này còn hái lá làm thuốc, thường chỉ dùng lá tươi, dùng vỏ quả và hạt bưởi sau khi đã ăn quả.
Lá, hoa, vỏ quả đều chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu lá bưởi là dipenten, linalola và xitrala. Tinh dầu vỏ quả có 26% xitrala và este.
Trong vỏ quả bưởi, ngoài tinh dầu ra còn chứa pectin naringin, các men peroxydaza, amylaza, đường ramnoza, vitamin A và C, hesperidin.
Các thành phần trong quả bưởi đều có tác dụng quý đối với sức khỏe. Ảnh minh họa. |
Trong dung dịch ép múi bưởi có khoảng 9% acid citric, 14% đường. Ngoài ra, còn lycopin, các men amylaza, peroxydaza, vitamin C (50mg trong 100mg dịch ép), vitamin A và B1. Vỏ hạt bưởi có nhiều pectin. Hạt có dầu béo.
Công dụng và liều dùng của bưởi
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi:
- Lá bưởi tươi thường được dùng nấu với nhiều lá thơm khác để xông chữa cảm cúm, nhức đầu. Lá còn dùng để cất tinh dầu, nhưng hái lá thì hại quả và hoa nên ít làm.
- Vỏ quả bưởi chữa ăn uống không tiêu, đau bụng, ho, ngày dùng 4-12 g dưới dạng sắc uống.
- Vỏ hạt bưởi có thể dùng lấy pectin làm thuốc cầm máu và dùng chải tóc.
- Dịch ép múi bưởi làm thuốc chữa tiêu khát (đái tháo), thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế acid citric thiên nhiên.
- Nước hoa bưởi thường bán ở các hiệu làm bánh được cất từ hoa bưởi phối hợp với nhiều vị thuốc có vị thơm khác như hồi, quế… dùng để làm thơm các thức ăn, bánh trái.
Một số bài thuốc từ cùi bưởi
Theo Đông y, cùi bưởi vị cay, ngọt, hơi đắng, tính ấm, vào ba kinh tỳ, thận và bàng quang, có công dụng hóa đàm, tiêu thực, hạ khí.
- Trị chứng ho hen người già từ cùi bưởi
Cách 1: Cùi bưởi, thái nhỏ, hấp cách thủy cùng với mật ong cho mềm, ngày ăn 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa.
Cách 2: Cùi bưởi sạch thái chỉ, hãm với nước sôi uống thay trà.
Cách 3: Cùi bưởi thái vụn chưng với dầu hạt hoa mào gà. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa.
- Chữa đau bụng do lạnh, nôn, buồn nôn:
Cùi bưởi 12 g, nước 300 ml, sắc còn 100 ml, chia 2 phần, uống trong ngày.
- Trị đầy bụng, khó tiêu
Cùi bưởi, sa nhân, kê nội kim và thần khúc. Mỗi vị 6 g, sắc uống ngày một thang.
Bạn không ăn bưởi khi đang dùng một số loại như thuốc giảm béo, thuốc chống dị ứng… đề phòng tương tác bất lợi. Bạn không ăn khi bụng đói vì bưởi có thể gây hại niêm mạc dạ dày. Người dân cũng không ăn bưởi khi bị rối loạn tiêu hóa, cơn đau do bệnh gout, viêm loét dạ dày...