Sau gần 2 tháng ra kết luận điều tra, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can: Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương) về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Long Hưng) về tội "Đưa hối lộ"; Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) và Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Gợi ý chủ doanh nghiệp "hỗ trợ" mua nhà
Cáo trạng xác định cựu Vụ phó Nguyễn Lộc An đã có hành vi "gợi ý" chủ 2 doanh nghiệp đưa hối lộ, qua đó "tạo điều kiện" cho các đơn vị này được xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, tự ý sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, gây thất thoát 105,7 tỷ đồng ngân sách.
Tại Công ty Bách Khoa Việt, Viện kiểm sát cáo buộc từ cuối năm 2012, bà Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty, quen ông Nguyễn Lộc An, khi đó còn là Vụ phó phụ trách mảng xăng dầu, khí đốt.
Trong các lần gặp nhau, ông An nói với bà Phương nếu muốn kinh doanh xăng dầu sẽ giúp.
Đầu năm 2013, bà Phương gọi ông An để nhờ cho Công ty Bách Khoa Việt được kinh doanh xăng dầu. Sau đó, ông An hướng dẫn Phương thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ trước.
2 năm sau, Công ty Bách Khoa Việt có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu và Bộ giao ông Nguyễn Lộc An là Trưởng đoàn kiểm tra các điều kiện của công ty.
Quá trình này, bà Phương đến gặp ông An ở nhà khách Bộ Công Thương (quận 1, TP.HCM) đưa 200 triệu đồng để được cựu Vụ phó "giúp đỡ".
Ngày 4/2/2015, Công ty Bách Khoa Việt được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Đến khoảng tháng 8 cùng năm, tại nhà ông An ở chung cư 671 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), Phương tiếp tục nhờ ông An giúp cho doanh nghiệp được làm thương nhân đầu mối.
Bị can Nguyễn Lộc An. |
Cáo buộc cho rằng ông An đồng ý và nói "cứ làm đi, An sẽ giúp", đồng thời tại cuộc gặp này, cựu Vụ phó cũng cho biết có ý định mua một căn nhà to hơn nhưng không đủ tiền nên "gợi ý" Phương hỗ trợ. Thấy ông An nói vậy, bà Phương đồng ý vì biết sau này sẽ cần ông An giúp đỡ thêm.
Đầu tháng 9/2015, ông An chủ động gọi điện đề nghị Phương hỗ trợ 9 tỷ đồng, dặn Phương chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của vợ là Nguyễn Kim Ngọc. Bà Phương sau đó chỉ đạo thuộc cấp tại công ty thực hiện.
Tháng 4/2016, Công ty Bách Khoa Việt có văn bản kèm theo hồ sơ gửi Bộ Công Thương đề nghị cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, văn bản nghị này bị trả lại vì doanh nghiệp chưa đáp ứng được một số điều kiện.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Lộc An chủ động hướng dẫn bà Phương “hợp thức” các điều kiện để được cấp phép, rồi gửi lại hồ sơ và đề nghị xin cấp giấy phép lên Bộ Công Thương.
Cuối tháng 5/2016, ông An tiếp tục làm Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tại Công ty Bách Khoa Việt. Viện kiểm sát quy kết dù không thực hiện kiểm tra hết toàn bộ hệ thống cửa hàng, đại lý nhưng đoàn kiểm tra của ông An và công ty vẫn ký biên bản, với nội dung: "Đoàn kiểm tra nhận thấy công ty đáp ứng đủ các điều kiện quy định".
Kết quả ngày 6/6/2016, ông Đỗ Thắng Hải, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương, ký giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt.
Chủ doanh nghiệp đưa hối lộ nhưng được miễn trách nhiệm hình sự
Tại cơ quan điều tra, bà Trần Thị Loan Phương khai chi 9,2 tỷ đồng cho Nguyễn Lộc An để được "tạo điều kiện". Sau khi được An hướng dẫn hợp thức hồ sơ, bà Phương chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng với các cửa hàng, đại lý để hợp thức đủ hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để được cấp phép.
Từ năm 2018, bà Phương giao bị can Trần Trác Việt Đức toàn quyền quản lý, điều hành Công ty Bách Khoa Việt. Cơ quan điều tra xác định bà Phương không chỉ đạo Đức và bị can Đỗ Thị Tuyết Nga sử dụng không đúng mục đích Quỹ Bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG).
Theo Viện kiểm sát, do nhận thức được sai phạm, ngày 9/9/2023, bà Phương đã chủ động làm đơn tố giác ông Nguyễn Lộc An nhận hối lộ của Phương và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án.
"Hành vi của Trần Thị Loan Phương là đưa hối lộ, do chủ động làm đơn tố giác và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Trên cơ sở tố giác của Phương, cơ quan điều tra đã thu thập đủ chứng cứ, khởi tố đối với Nguyễn Lộc An về tội nhận hối lộ, Nguyễn Tuấn Quỳnh về tội đưa hối lộ", cáo trạng nêu.
Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự; Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Trần Thị Loan Phương, nhưng tịch thu toàn bộ số tiền 9,2 tỷ đồng đưa hối lộ sung quỹ Nhà nước.
Theo cáo buộc, toàn bộ số tiền nhận hối lộ trong vụ án được ông Nguyễn Lộc An chi mua biệt thự tại quận Tây Hồ, Hà Nội và tiêu cá nhân hết.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay” không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng về quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình mà còn đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam thời gian tới trong 3 chương sách.