Trung bình mọi người chỉ ngủ 6,5 giờ vào ngày chủ nhật. Ảnh: Freepik. |
Khi ngày thứ 6 trôi qua, chúng ta nóng lòng muốn tan làm, về nhà, dẹp hết công việc qua một bên và nghỉ ngơi thư giãn. Không gì tuyệt vời hơn cảm giác đồng hồ điểm 17h, khi mọi áp lực trong tuần dần tan biến.
Thế nhưng, khi ngày cuối tuần ngắn ngủi kết thúc, guồng quay công việc tiếp tục vào sáng thứ 2, "nỗi sợ ngày chủ nhật" sẽ lại xuất hiện.
Khi đó, chúng ta có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo lắng về danh sách dài những việc cần làm. Đó có thể là nỗi lo về việc phải thuyết trình trước mặt sếp, nỗi lo về những cuộc gọi của khách hàng, thậm chí là nỗi lo phải gặp mặt đồng nghiệp.
Khi ý nghĩ "phải quay lại làm việc" hoàn toàn lấn át tâm trí, chúng ta rất khó để bình tĩnh lại. Kéo theo đó, chủ nhật sẽ trở thành một ngày buồn vui lẫn lộn vì chúng ta biết rằng đó sẽ là 24 giờ tự do cuối cùng trước khi quay lại công việc vào sáng thứ 2.
Đáng ra, cuối tuần sẽ là thời điểm chúng ta thư giãn, ngủ bù cho những ngày làm việc bận rộn. Thế nhưng, tối chủ nhật lại có thế trở thành ác mộng, khiến chúng ta không thể nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
Nhiều người mất ngủ vào tối chủ nhật vì sợ phải đi làm khi tuần mới bắt đầu. Ảnh: Pexels. |
Nỗi sợ ngày chủ nhật khiến chúng ta mất ngủ
Nỗi sợ ngày chủ nhật (sunday scaries hoặc sunday blues) là cảm giác sợ hãi, lo lắng về việc phải đi làm vào ngày hôm sau. Khảo sát của Cơ quan Cải thiện Sức khỏe và Chênh lệch (OHID) cho thấy nỗi sợ ngày chủ nhật thực sự tồn tại và ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Theo Independent, OHID đã mở khảo sát với 4.000 người tại Anh. Kết quả, khoảng 67% người làm khảo sát cho biết họ đã, đang trải qua cảm giác này. Gen Z (những người ở độ tuổi 18-24) là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của nỗi sợ ngày chủ nhật. Khoảng 74% cho biết họ đang phải trải qua nỗi sợ này mỗi tuần.
Theo một nghiên cứu của Tune Hotels Group, trung bình mọi người chỉ ngủ 6,5 giờ vào ngày chủ nhật. Khoảng một nửa dân số chỉ ngủ được 4 giờ, thấp hơn rất nhiều so với số giờ ngủ được bác sĩ khuyến nghị là 8 giờ.
10% người làm khảo sát với Tune Hotels Group cho biết họ không ngủ được vì lo lắng về việc phải đi làm. Ngoài ra, các lý do khác khiến họ khó ngủ vào tối chủ nhật bao gồm: Lo âu, môi trường làm việc thù địch, cảm giác bị trách nhiệm chôn vùi, cảm thấy công việc không được đánh giá cao, công việc nhàm chán...
Nghiên cứu này cũng phát hiện những người có công việc áp lực, ảnh hưởng nhiều đến thể chất và tinh thần, thường là những người thiếu ngủ nhiều nhất.
Hầu hết cảm giác tiêu cực gây ra nỗi sợ ngày chủ nhật đều liên quan công việc. Nghĩa là mọi người mất ngủ vì họ sợ phải làm việc vào sáng thứ 2. Kết quả, thiếu ngủ, tâm trạng áp lực lại gây ảnh hưởng đến công việc của tuần mới.
Bên cạnh đó, thiếu ngủ vào tối chủ nhật còn khiến bạn đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, toàn thân run rẩy...
Duy trì thói quen tích cực giúp bạn ngủ ngon hơn và không còn nỗi sợ ngày chủ nhật. Ảnh: Pexels. |
Cách để vượt qua nỗi sợ ngày chủ nhật
Để phá vỡ chu kỳ thiếu ngủ vào mỗi cuối tuần, bạn có thể thử áp dụng một số phương pháp sau.
1. Tập thiền: Thói quen thiền định có thể giúp bạn xây dựng khả năng phục hồi. Tập thiền mỗi ngày sẽ cho phép bạn thấy rõ nguyên nhân gây ra nỗi sợ ngày chủ nhật, giúp bạn tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để bạn tiếp tục làm việc khi tuần mới bắt đầu.
2. Ngừng nói chuyện tiêu cực: Nghiên cứu chỉ ra cách chúng ta nói chuyện với chính mình có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, nếu bạn tự nói những chuyện tiêu cực về bản thân và công việc, tâm trí của bạn sẽ coi công việc là một điều khủng khiếp và là điều bạn không muốn làm. Kết quả, bạn sẽ cảm thấy sợ hãi khi phải bước sang một tuần làm việc mới.
3. Kiếm một công việc bạn thực sự yêu thích: Cách để phá vỡ nỗi sợ ngày chủ nhật chính là tìm một công việc yêu thích, giúp bạn tìm được niềm vui, hạnh phúc khi làm việc. Bằng cách này, bạn sẽ không còn cảm thấy đi làm là một điều đáng sợ.
4. Thay đổi suy nghĩ: Một cách để đánh bại nỗi sợ ngày chủ nhật là thay đổi suy nghĩ từ bi quan thành lạc quan. Nếu bạn coi thứ 2 là một ngày khủng khiếp, tâm trạng của bạn sẽ luôn mắc kẹt trong điều khủng khiếp đó. Thay vì thấy thứ 2 đáng sợ, bạn hãy coi đây là một khởi đầu mới thực hiện những điều tốt đẹp. Khi đó, tâm trạng của bạn sẽ phấn chấn và tích cực hơn.
5. Duy trì một thói quen tích cực vào ngày chủ nhật: Trước khi tuần mới bắt đầu, bạn có thể tạo thói quen vui vẻ để bản thân được thư giãn. Cách này sẽ giúp niềm vui "chiếm lĩnh" bộ não, khiến bạn không còn tâm trí để nghĩ về những điều tiêu cực. Cách này cũng giúp bạn có thể thả lỏng đầu óc và dễ ngủ hơn.
6. Tập thể dục: Đây là phương pháp thích hợp để giải tỏa mọi căng thẳng và lo lắng. Tập thể dục đều đặn vào các chiều chủ nhật hàng tuần sẽ giúp bạn giải phóng mọi căng thẳng hoặc sợ hãi. Hơn nữa, vận động cũng giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
7. Nuông chiều bản thân vào sáng thứ 2: Bên cạnh việc tạo thói quen tích cực cho ngày chủ nhật, bạn có thể tự cho mình một "đặc quyền" vào sáng thứ 2 để tạo cảm giác mong chờ, hào hứng, ví dụ như tự mua một chiếc bánh ngọt trên đường đi làm, lên lịch mát-xa sau giờ làm. Khi chọn những điều khơi dậy niềm vui, nỗi sợ ngày chủ nhật của bạn sẽ biến mất.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.