Khi các TikToker lấn sân tư vấn hướng nghiệp, không ít video “chê” ngành học vô dụng xuất hiện. Ảnh: Ngọc Bích. |
"Vô dụng", "không có tương lai", "dễ thất nghiệp", "lương không cao", "ngành học chung chung"... là loạt mô tả của các TikToker khi đề cập đến ngành Quản trị Kinh doanh, Marketing, Ngôn ngữ Anh, Bất động sản...
Dưới những video này, cộng đồng mạng TikTok đã "chia rẽ" thành hai luồng ý kiến chính. Một bên đồng tình với quan điểm của các TikToker, cho biết bản thân từng học các ngành nêu trên và thất vọng vì ngành học, tương lai nghề nghiệp không đúng như kỳ vọng.
Số khác lại phản bác những quan điểm này và cho rằng không có ngành học nào là vô dụng. Tất cả ngành học ở trường đại học đều mang lại những giá trị nhất định, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên khi tìm kiếm việc làm.
Những tranh cãi và ý kiến đối lập của dân mạng trên TikTok đang khiến nhiều học sinh hoang mang, lo lắng khi đứng trước cánh cửa lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Định kiến tai hại về các ngành kinh tế
Trong 8 ngành học mà ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM đang đào tạo và xét tuyển, có đến 3 ngành bị các TikToker điểm danh "vô dụng" là Quản trị Kinh doanh, Bất động sản và Marketing.
Nói về lý do nhận xét ngành Quản trị Kinh doanh là "vô dụng", TikToker @huydao cho rằng: "Đây là ngành học rất chung chung, ra trường chỉ có thể làm sale hoặc marketing, mà hai công việc này thì học cái gì cũng làm được".
TikToker @huydao "tư vấn" thêm: "Không nhất thiết phải có bằng Marketing mới làm được marketing, chỉ cần kinh nghiệm thôi. Kiến thức trong trường đại học về ngành này đã rất lỗi thời. Sinh viên có thể tự học trên mạng hoặc thậm chí tự làm để có kinh nghiệm luôn".
ThS Dương Trần Minh Đoàn - Trưởng phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh, ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM - nhận định đây đều là những hiểu lầm tai hại về các ngành học nêu trên.
Ông phản đối quan điểm ngành Quản trị Kinh doanh là "vô dụng" vì ngành học này cung cấp kiến thức tổng quát về một tổ chức kinh doanh. Tuy các công ty không tuyển dụng vị trí quản trị kinh doanh, nhưng sau khi tốt nghiệp, dựa trên kiến thức đã học, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau như marketing, sale, kế toán, điều phối nhân sự...
Bên cạnh đó, ngành học còn giúp sinh viên có lợi thế thăng tiến trong công việc. Nhiều tập đoàn lớn hiện nay đều yêu cầu các quản lý cấp cao phải có bằng Quản trị kinh doanh.
Về ngành Marketing, ThS Đoàn cho rằng các bạn trẻ không nên nghĩ ngành học này chỉ chạy quảng cáo và là công cụ truyền thông đơn giản. Thực tế, các khóa học ngắn hạn trên mạng về Marketing chỉ dạy người học kỹ thuật marketing. Trong khi đó, ở bậc đại học, sinh viên có thể tiếp cận được nhiều kiến thức hơn thế.
Cụ thể, chương trình học Marketing tại các trường sẽ bao gồm các môn về kỹ thuật marketing truyền thống, kỹ thuật marketing hiện đại, cách áp dụng công nghệ vào marketing, cách quản lý tài chính và chạy các dự án đúng hướng...
Đối với ngành Bất động sản, theo ông Đoàn, hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân Bất động sản chỉ làm môi giới hoặc mua đi bán lại bất động sản. Song, ngành học này lại cung cấp nhiều kiến thức hơn một là khóa nghiệp vụ môi giới bất động sản hoặc khóa nghiệp vụ sale.
"Sinh viên học ngành Bất động sản sẽ có những kiến thức tổng quát của một tổ chức, cách hoạch định và phát triển bất động sản, dịch vụ bất động sản… Qua đó, cơ hội việc làm của các em cũng đa dạng hơn", ông Đoàn nói.
Những ngành học bị TikToker nhận xét "vô dụng" thường có nhiều lượt xem và bình luận. |
Các ngành ngôn ngữ cũng cần được "minh oan"
Ngoài những ngành kinh tế nêu trên, các ngành học về ngôn ngữ như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật... cũng trở thành "đối tượng" bị TikToker gắn mác "vô dụng".
Trên tài khoản của mình, TikToker @congchiez khuyên học sinh không nên chọn học các ngành ngôn ngữ vì "siêu phí và những công việc đòi hỏi phải có bằng ngôn ngữ là rất hiếm".
"Mình dám cá cược là 80% các bạn học ngôn ngữ sẽ đi làm những công việc chung chung, không đúng với chuyên ngành của mình. Nếu các bạn thích làm công việc về ngôn ngữ thì các bạn có thể học thêm chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL... ở bên ngoài. Có các bằng này, bạn đã đi làm được rồi. Không nhất thiết phải bỏ ra 4 năm đại học để chứng minh là bạn giỏi ngôn ngữ đó", trích từ video của TikToker @congchiez.
TikToker @huydao thì nhận xét: "Thời này đâu còn ai không học tiếng Anh đâu, cho nên tốt nhất là bạn học ngành khác rồi học thêm bằng IELTS là được rồi".
Với những quan điểm trên, ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng TikToker đang hiểu sai về các ngành ngôn ngữ. Những TikToker này không phân biệt được sự khác nhau giữa việc giao tiếp bằng một ngôn ngữ nào đó với việc sử dụng ngôn ngữ vào các lĩnh vực chuyên sâu.
"Để giao tiếp, sinh viên có thể tự học các ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu muốn làm các công việc như đi dạy, phiên dịch hay sử dụng chuyên sâu một ngôn ngữ nào đó vào các lĩnh vực khó, sinh viên không thể tự học hay học chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là được", ông Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ với Zing, ông Nam cho biết trước khi mở một ngành học nào đó, các trường đại học đều đã phân tích thị trường lao động. Không bao giờ nhà trường mở một ngành học không có cơ hội việc làm hoặc ngành mà xã hội không cần.
Theo ông Nam, hiện tại, thị trường lao động Việt Nam vẫn rất cần những nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành ngôn ngữ. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp cử nhân các ngành học này, nếu được đào tạo bài bản, chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm.
Quan điểm ngành học "vô dụng" của TikToker rất phiến diện
Đối với những video hướng nghiệp, bàn luận về ngành nghề trên TikTok, bà Phạm Chi - chuyên viên tâm lý, hướng nghiệp, nhà sản xuất chương trình Gõ cửa nghề nghiệp của VTV7 cho rằng học sinh, sinh viên có thể xem "cho vui", nhưng không nên xem đó là căn cứ để quyết định con đường tương lai.
"Việc đưa ra quyết định nghề nghiệp cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như thông tin về cá nhân, nghề nghiệp, thị trường việc làm. Nếu các bạn đặt những yếu tố này lên bàn cân, các bạn sẽ thấy những quan điểm về ngành học 'vô dụng' mà TikToker đưa ra là rất phiến diện, nhảm nhí", bà Chi nói.
Theo bà Chi, nếu muốn được tư vấn đúng, học sinh nên tìm hiểu những hoạt động hướng nghiệp mang tính khoa học, có quy trình rõ ràng. Các em cũng có thể tìm đến những chuyên viên tư vấn hướng nghiệp để được định hướng đúng, đủ và khoa học.
"Thời điểm này, khi các trường đại học đang tổ chức nhiều ngày hội tuyển sinh, các em nên đến tham dự để được thầy cô, nhà trường tư vấn và có cái nhìn rõ nét hơn về các ngành học mà bản thân quan tâm", bà Chi nói.
Bà Chi cũng lưu ý tại các ngày hội tuyển sinh, ngoài việc tìm hiểu ngành nghề phù hợp với tính cách của bản thân, học sinh cần cân nhắc, xem xét học phí, thiên hướng đào tạo của các trường (ví dụ trường thiên về nghiên cứu hay thực hành) và cơ hội việc sau làm khi tốt nghiệp...
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.