Ai cũng có nguy cơ tái nhiễm Covid-19. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Gần 4 năm sau khi Covid-19 bùng phát, Australia vẫn ghi nhận một lượng không nhỏ số ca mắc bệnh. Trong năm 2023, nước này có hơn 860.000 ca dương tính và hơn 30.000 ca vào năm 2024.
Không riêng Australia, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Trung Quốc, bao gồm cả Việt Nam, cũng trong tình trạng tương tự.
Trong khi một số người may mắn chưa từng mắc Covid-19, nhiều người lại phải đối mặt với tình trạng tái nhiễm lần hai, lần ba hay thậm chí là tái nhiễm đến lần thứ tư dù đã tiêm vaccine đầy đủ.
Từ những tình huống này, có thể bạn sẽ thắc mắc rằng chúng ta sẽ tái nhiễm khi nào sau khi khỏi Covid-19, hoặc chúng ta sẽ mắc bệnh khi nào kể từ lúc tiêm vaccine?
Cơ thể phản ứng thế nào với virus?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết về cách thức phản ứng của hệ miễn dịch đối với SARS-CoV-2.
Sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine, hệ thống miễn dịch sẽ phát triển các kháng thể đặc hiệu để "vô hiệu hóa" SARS-CoV-2. Trong đó, tế bào B (hay tế bào lympho B) sẽ "ghi nhớ" loại virus này trong một khoảng thời gian.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch cũng tạo ra tế bào ghi nhớ T có khả năng tiêu diệt virus tồn tại trong máu khoảng vài tháng sau khi khỏi Covid-19 hoặc sau khi tiêm chủng.
Năm 2021, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science nêu rằng 98% tình nguyện viên tham gia nghiên cứu có kháng thể chống lại protein tăng đột biến của SARS-CoV-2 trong vòng một tháng sau khi khởi phát các triệu chứng. Đây là loại protein trên bề mặt virus, cho phép nó bám vào tế bào trong cơ thể người.
Khoảng 6-8 tháng sau, 90% người tham gia vẫn còn các kháng thể này trung hòa trong máu. Điều này có nghĩa là trong vòng 6-8 tháng đó, hệ thống miễn dịch vẫn có thể nhận biết và "vô hiệu hóa" biến thể của SARS-CoV-2. Do đó, nếu tái nhiễm, bạn chỉ bị nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Nhiều người dễ tái nhiễm là có lý do. Ảnh minh họa: Pexels. |
Vì sao mọi người dễ dàng tái nhiễm?
SARS-CoV-2 biến đổi theo thời gian và xuất hiện các biến thể như alpha, beta, delta và omicron. Mỗi biến thể đều mang những đặc điểm đột biến để tấn công hệ thống miễn dịch và rất khó để hệ miễn dịch nhận ra dù trước đó chúng ta từng nhiễm một biến thể nào đó.
Ở lần nhiễm Covid-19 đầu tiên, tế bào B và tế bào T đã được kích hoạt để "ghi nhớ" biến thể. Nhưng khi một biến thể mới xuất hiện, hai tế bào này vẫn không thể nhận ra. Điều này giải thích cho việc vì sao chúng ta dễ dàng tái nhiễm Covid-19.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 2/2023, các nhà nghiên cứu nhận thấy lần mắc Covid-19 đầu tiên đã cung cấp khả năng miễn dịch, giúp cơ thể chống nguy cơ tái nhiễm các biến thể alpha, beta và delta với tỷ lệ lên đến 85,2% sau 4 tuần mắc bệnh.
Sau 40 tuần, khả năng chống tái nhiễm các biến thể này vẫn ở mức cao với tỷ lệ 78,6%. Sau 80 tuần, khả năng này giảm xuống 55,5%.
Một điều đáng chú ý hơn là với biến thể omicron BA.1, khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm sau 40 tuần chỉ ở mức 36,1%. Trong các nghiên cứu, omicrom được mô tả là một biến thể có thể trốn thoát khỏi hệ miễn dịch.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.