Ông Nguyễn Văn Hưởng - 60 tuổi trú tại Hà Nội là một trong những người “lo xa” khi ở tuổi về hưu ông vẫn quyết định xin gửi con giống để hi vọng có thể lưu trữ lại những “đứa con” khoẻ nhất.
Ông Hưởng tâm sự ông đã có 3 cô con gái và hiện nay lúc nào ông cũng mong muốn có thể sinh thêm một cậu con trai để nối dõi tông đường nhưng vợ và các con ông phản đối. Ông giấu gia đình đi gửi tinh trùng vì biết đâu vài năm sau ông tìm được người sẵn sàng giúp ông mang thai, ông sẽ nhờ họ sinh cho mình con trai.
Chọc lấy tinh trùng cho người bệnh. |
Khi đến Bệnh viện Nam học Hà Nội, ông Hưởng được bác sĩ tư vấn về chi phí gửi tinh trùng. Sau đó ông đã chọn gửi và đóng luôn phí 10 năm với hi vọng con giống của mình được bảo quản tốt nhất.
Trường hợp của anh Trần Đức Vinh 44 tuổi, sống tại Hà Nam cũng vội vàng đi gửi tinh trùng khi phát hiện anh bị quai bị. Anh Vinh tâm sự anh đã có hai cô con gái. Một lần con bị quai bị và anh lây từ con. Lúc đó, trong tâm trí của anh rất lo lắng vì bệnh có thể “chạy hậu” ảnh hưởng đến việc sinh con sau này của vợ chồng anh.
Anh Vinh và vợ đã vội vàng đến đến bệnh viện xin tư vấn và gửi ngay con giống. Sau một hồi “tự xử” anh Vinh không lấy được tinh trùng vì lo lắng quá nên bác sĩ đã chọc tinh trùng từ mào tinh. Sau đó họ chọn ra những con tinh trùng chất lượng tốt nhất rồi gửi vào ngân hàng cho anh Vinh.
Chia sẻ về niềm vui đã “gửi được con giống” vợ chồng anh Vinh dự tính sẽ sinh thêm con thứ 3 vào năm 2018 nên việc gửi tinh trùng như cứu cánh cho anh. Nếu ngay lúc đó, không gửi tinh trùng thì anh cũng không thể sinh con ngay.
Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ - chuyên gia nam khoa - cho biết việc lo gửi tinh trùng của quý ông không phải là không có căn cứ. Nhất là đối với những người bị quai bị ở tuổi trưởng thành bệnh có thể gây chứng viêm teo tinh hoàn. Nhiều trường hợp sinh con đầu lòng nhưng bị quai bị, vài năm sau muốn sinh thêm con thì tinh hoàn bị teo không còn con giống nào. Chính vì thế, các bác sĩ khuyên khi bị quai bị ở tuổi dậy thì trở lên nên gửi tinh trùng phòng ngừa vô sinh do biến chứng của quai bị.
Chi phí rẻ
Tại Ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện Bưu Điện, Bác sĩ Tăng Đức Cương của Trung tâm hỗ trợ sinh sản Hà Nội cho biết ngày càng có nhiều người có nhu cầu gửi tinh trùng trong đó có cả người già và bạn trẻ. Số đông các bạn thanh niên lo xa sợ chất lượng tinh trùng kém. Có số ít đàn ông 30 tuổi chưa vợ, họ còn lo bận sự nghiệp nên đã đăng ký gửi tinh trùng 10 năm với hi vọng khi kết hôn họ có được những đứa con từ “nguồn tinh trùng” khoẻ nhất.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, trưởng bộ môn Mô - Phôi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y cho biết, hiện nay trung tâm này cũng đang lưu giữ trên 200 mẫu tinh trùng, chủ yếu là các trường hợp mắc quai bị, ung thư trước khi xạ trị, hoá trị, phẫu thuật nối mào tinh... Trong đó số trường hợp bị ung thư đến gửi tinh trùng ngày một tăng. Nhưng cũng có trường hợp đến gửi tinh trùng đơn thuần chỉ vì muốn... để dành giống như trường hợp của ông Hưởng.
Các mẫu tinh trùng khi lấy ra sẽ được sàng lọc và phân loại rất kỹ. Những trường hợp bị bệnh truyền nhiễm như viêm gan, HIV sẽ được sàng lọc và để vào bình riêng còn những trường hợp khoẻ mạnh sẽ để riêng và có mã vạch hẳn ho. Bác sĩ sẽ cho từng mẫu sẽ được đặt trong các bình nitơ lỏng có nhiệt độ bảo quản -196 độ C. Mỗi bình chứa được hàng trăm mẫu. Các bác sĩ sẽ kiểm tra hàng tuần để đổ thêm nitơ lỏng.
Chi phí gửi tinh trùng hiện nay, theo tìm hiểu tại các bệnh viện chi phí cả tháng khoảng hơn 100.000 đồng. Tại bệnh viện Đại học Y trong năm đầu tiên, bệnh nhân phải trả 3 triệu đồng cho tổng số 6 tube bảo quản, do mất thêm chi phí chất bảo quản lạnh để tinh trùng không sốc với nhiệt lạnh. Còn từ những năm sau, mỗi mẫu chỉ mất khoảng 1,7 triệu đồng (4.600 đồng/ngày) chi phí cho tiền tiêu hao nitơ lỏng.