Tôi và gia đình đôi khi hay mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, cảm lạnh, viêm amidan, tái đi tái lại. Xin hỏi khi mắc những bệnh này thì cần lưu ý điều gì?
Cơ quan Y tế quốc gia Vương quốc Anh (NHS)
Các bệnh trên là một phần của những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (RTI). Đây là tình trạng nhiễm trùng các bộ phận của cơ thể liên quan đến hô hấp, chẳng hạn xoang, cổ họng, đường thở hoặc phổi.
Bệnh lây lan khi tiếp xúc với giọt bắn từ người bệnh lúc ho hoặc hắt hơi. Có một số loại nhiễm trùng đường hô hấp, được phân vào hai nhóm chính:
Nhiễm trùng đường hô hấp trên (URTI) với các triệu chứng nằm ở xoang và họng, như cảm lạnh, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm amidan.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTI) với các triệu chứng nằm ở đường thở và phổi. Các triệu chứng của LRTI thường kéo dài và nghiêm trọng hơn, bao gồm viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng ngực, viêm phổi.
Bệnh cúm có thể thuộc bất kỳ nhóm nào giữa URTI và LRTI.
Hầu hết trường hợp mắc bệnh sẽ tự khỏi trong vòng một đến hai tuần, nhưng cũng có những trường hợp cần tư vấn từ bác sĩ hoặc chăm sóc đặc biệt.
Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, có thể uống chanh mật ong để làm dịu cơn ho, súc miệng bằng nước muối ấm, kê cao gối khi ngủ để dễ thở hơn và làm sạch dịch nhầy ở ngực. Có thể sử dụng thuốc xịt mũi, viên ngậm trị viêm họng tại các nhà thuốc.
Để tránh nguy cơ lây lan bệnh, người mắc bệnh cần che miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên, bỏ khăn giấy ngay sau khi sử dụng.
Những trường hợp sau nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời:
- Bệnh chuyển biến nặng, cơ thể không khỏe.
- Ho ra máu hoặc dịch nhầy dính máu.
- Ho liên tục hơn 3 tuần.
- Phụ nữ mang thai.
- Người trên 65 tuổi.
- Người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn đang mắc bệnh tiểu đường hoặc đang phải dùng hóa trị.
- Người có bệnh tim, phổi hoặc thận mạn tính.
Các bác sĩ có thể tư vấn sử dụng kháng sinh nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, chẳng hạn viêm phổi. Kháng sinh không có tác dụng với các bệnh do virus như cảm lạnh.
Nếu liên tục mắc các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp hoặc trong nhóm nguy cơ cao, như người trên 65 tuổi hoặc có bệnh mạn tính, cần trao đổi với bác sĩ về phương án dùng vaccine cúm và vaccine viêm phổi. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế đồ uống có cồn và không hút thuốc lá.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn