Căng thẳng, chán nản: Theo Reader's Digest, cũng giống chứng thèm ăn, những thay đổi về thể chất của chứng căng thẳng, trầm cảm có thể chuyển sang mức cực đoan. Bạn có thể đột nhiên thấy mệt mỏi và muốn ngủ cả ngày hoặc ngược lại, không thể chợp mắt, thậm chí khi thấy buồn ngủ. Dạng thiếu ngủ đặc biệt phổ biến của trầm cảm là thức dậy vào nửa đêm, lặp lại liên tục trong thời gian dài. Ảnh: Goodpath. |
Bạn làm quá nhiều trước khi đi ngủ: Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, làm việc đến tận giờ đi ngủ khiến bạn không thể thư giãn và chuẩn bị cho cơ thể đi ngủ. Vì vậy, bạn cần dành ít nhất một giờ trước khi đi ngủ để dừng mọi công việc có thể gây mệt mỏi, áp lực cho cơ thể và tinh thần. Bạn có thể đọc sách, tắm - bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy thư thái nhất. Ảnh: Wellgood. |
Nội tiết tố bị suy giảm: Phụ nữ dễ bị mất ngủ khi có kinh nguyệt do tâm trạng thay đổi, đau bụng, nội tiết tố suy giảm. Sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai có thể khiến phụ nữ thức giấc vì thường xuyên muốn vào nhà vệ sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong khi đó, kích thước bụng to lên trong 3 tháng cuối thai kỳ cũng khiến bà bầu khó chịu và khó ngủ. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, khi phụ nữ ngừng kinh nguyệt, sự sụt giảm nồng độ hormone progesterone và estrogen có thể gây ra các triệu chứng như bốc hỏa vào ban đêm và mất ngủ. Ảnh: Womenshealth. |
Bạn hút thuốc: Có hàng trăm lý do để bạn bỏ hút thuốc lá, trong đó có khó ngủ. Nicotine khó chịu trong thuốc lá là chất kích thích khiến bạn tỉnh táo lâu hơn và dễ bị thức giấc vào nửa đêm. Ảnh: Verywellhealth. |
Ngủ trưa quá muộn: Bạn nên thận trọng với việc ngủ trưa trong ngày. Đây có thể là cách để nạp năng lượng cho cơ thể nhưng nếu ngủ trưa quá muộn trong ngày, bạn có thể bị khó ngủ vào ban đêm. Nếu cần ngủ trưa, hãy duy trì dưới 30 phút vào đầu giờ chiều. Ảnh: Healthline. |
Rối loạn nhịp sinh học: Thức khuya và ngủ nướng vào cuối tuần là thói quen "xả hơi" của nhiều người sau một tuần làm việc vất vả. Tuy nhiên, điều này có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Ngay cả khi bạn đi ngủ sớm vào tối Chủ nhật, cơ thể sẽ không sẵn sàng để ngủ. Điều đó khiến bạn có một ngày làm việc vất vả vào đầu tuần. Ảnh: Thetimes. |
Bạn nghiện công nghệ: Các ứng dụng công nghệ giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Việc kiểm tra email, sử dụng điện thoại ngay trước giờ đi ngủ sẽ ngăn não bộ tạm dừng hoạt động, kích thích chứng mất ngủ. Tránh xa công nghệ trong phòng ngủ là một trong những điểm chung của những người ngủ ngon. Ảnh: Collegecandy. |
Uống caffeine quá nhiều: Thói quen tiêu thụ đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà có thể khiến bạn thức đêm, đặc biệt vào buổi tối. Caffeine có thể cản trở giấc ngủ REM bình thường, khiến bạn thậm chí còn cảm thấy mệt mỏi hơn. Caffein có thời gian bán hủy kéo dài 8-10 giờ, thậm chí chậm hơn khi chúng ta già đi. Vì vậy, uống quá nhiều và muộn trong ngày có thể vô tình khiến bạn tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ. Ảnh: Healthline. |
Bạn luôn xem đồng hồ: Theo The Healthy, điều tồi tệ nhất bạn có thể làm khi không ngủ được là xem đồng hồ. Nhiều người khi bị mất ngủ sẽ nhìn đồng hồ và nhẩm tính xem còn bao nhiêu giờ nữa để thức giấc. Điều này vô tình khiến bạn càng cảm thấy lo lắng hơn. Nó làm tăng adrenaline và cortisol, những hormone khiến bạn cảm thấy tỉnh táo và càng làm gián đoạn giấc ngủ. Ảnh: Thehealthy. |