Nhiều kế hoạch năm mới sớm rơi vào bế tắc ngay từ tháng 2. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels. |
Cứ đến những ngày cuối tháng 12, nhiều người lại bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho năm mới. Hàng loạt gạch đầu dòng được liệt kê, từ chăm sóc bản thân, xây dựng sự nghiệp đến cải thiện khả năng tài chính.
Tuy nhiên, các dự định này thường có xu hướng đổ bể chỉ sau khoảng thời gian ngắn. Theo khảo sát từ N26, ít nhất 80% mục tiêu năm mới sẽ bị hủy bỏ trong tháng 2.
Đâu là lý do khiến chúng ta hiếm khi bám sát toàn bộ kế hoạch đã đề ra? Dưới đây là một số sai lầm khi lập kế hoạch và cách để bạn thực sự quyết tâm theo đuổi chúng trong năm 2023.
Tâm lý thích xác định mục tiêu năm mới
Trước hết, nhiều bạn trẻ tin rằng lập kế hoạch có thể cho thấy các chỉ số rõ ràng về khả năng phát triển, thành công.
Họ dường như thấy được cả điểm xuất phát và vạch đích. Cảm giác thỏa mãn khi theo dõi tiến độ từng tháng luôn là một sự kích thích.
Thứ hai, năm mới khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn về tương lai, kỳ vọng một phiên bản hoàn thiện của chính mình. Các viễn cảnh xuất hiện trong đầu có thể rất thú vị và mang tính thúc đẩy cao, dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian khá ngắn.
Tuy nhiên, mọi thứ dễ trở về số 0, nếu bạn rơi vào các bẫy tâm lý sau:
- “Được ăn cả, ngã về không”
- Thích nghĩ to tát
- Thiếu tính cụ thể
- Lên kế hoạch xa rời đời sống thực
“Được ăn cả ngã về không”
Nhiều người khá tham lam khi lập kế hoạch. Với họ, thành công chỉ thực sự tồn tại bằng chiến thắng tuyệt đối. Nếu không, tất cả chỉ là mớ hỗn độn thất bại. Vì vậy, bạn không được phép làm sai, dù là những điều nhỏ nhặt.
Thoạt nghe, chúng ta dễ nghĩ rằng họ đang đặt quyết tâm cao nhằm tăng tỷ lệ hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ N26, đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều bạn trẻ nản lòng, buông xuôi dự định từ tháng 2.
Tư duy "hoặc có tất cả, hoặc không có gì" dễ khiến bạn thất bại với mọi kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels. |
Suy nghĩ “tất cả hoặc không có gì” dễ dàng khiến bạn tự hủy hoại bản thân. Chẳng hạn, chỉ vì một thất bại cơ bản, cá nhân ngay lập tức nghĩ mình yếu kém, không xứng đáng với thành công.
Trong vô thức, bạn quay sang đấu đá với chính mình và cản trở quá trình hoàn thành mục tiêu ban đầu. Hành động này cũng được hiểu theo các ý sau:
- Trì hoãn, đợi tới khi gần hết thời gian mới bắt tay vào thực hiện
- Mắc hội chứng kẻ mạo danh và tự nói chuyện tiêu cực
- Khó khăn trong việc tạo và duy trì ranh giới
Thích nghĩ to tát
Trong sự phấn khích về năm mới, bạn dễ đề ra quá nhiều hạng mục không thực sự giúp ích cho đời sống của mình. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn chỉ muốn có một kế hoạch thật hoành tráng chứ chưa nghĩ đến quá trình hiện thực hóa chúng.
Chẳng hạn, mục tiêu không nợ nần thoạt nghe có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, bạn lại quên nhìn lại những khoản tiền chắp vá do quẹt thẻ tín dụng quá tay. Do đó, kế hoạch tài chính này hầu như không có tỷ lệ thành công.
Mải nghĩ về dự định quá xa vời, bạn khó tránh khỏi cái kết thất bại, hao tốn thời gian và công sức.
Thay vào đó, hãy nghĩ đơn giản, cố lập kế hoạch dựa trên hoàn cảnh thực tế của chính mình. Có thể kế hoạch nhỏ nhặt sẽ không mang lại nhiều cảm hứng trong thời gian đầu. Song, chúng chắc chắn đưa bạn đến kết quả hài lòng hơn.
Kế hoạch năm mới dễ đổ bể khi cá nhân thích nghĩ đến mục tiêu quá to tát. Ảnh minh họa: Jini Phm/Pexels. |
Thiếu tính cụ thể
Đôi khi, các mục tiêu năm mới khó thành công chỉ vì chúng quá lan man. Đọc nhiều hơn, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe và tiết kiệm nhiều tiền là những ví dụ về thiếu tính cụ thể thực tế.
Có 3 lý do khiến mục tiêu không có trọng tâm khó thành công:
Khó hành động: Bạn chưa biết chính xác cần làm gì để bắt tay vào hiện thực hóa kế hoạch.
Khó đo lường: Bạn hoàn toàn thiếu một thang đo để đánh giá hiệu quả. Do vậy, bạn chẳng thể biết khi nào nó thật sự thành công, hay chỉ đang ở mức tàm tạm, cần cải thiện thêm.
Khó đặt kỳ vọng phù hợp: Những mục tiêu mơ hồ chỉ giống như vài khát vọng phi thực tế. Cá nhân sẽ gặp khó khăn vì thiếu đích đến cụ thể để nhắm đến. Cuối cùng, bạn cũng không thực sự chịu trách nhiệm về chúng.
Lên kế hoạch xa rời đời sống thực
Một lý do khác khiến nhiều mục tiêu năm mới thất bại? Chúng gắn liền với những gì bạn muốn, hơn là liên quan đến thực tế đời sống.
Ví dụ, bạn quyết tâm được thăng chức trong năm 2023. Điều này nghe có vẻ tuyệt vời trên lý thuyết.
Song, mọi thứ sẽ chẳng phù hợp vì bạn vốn không hài lòng với công việc hiện tại. Có thể vị trí mới sẽ khiến bạn thoải mái hơn ở giai đoạn đầu. Tuy vậy, rất khó để đảm bảo tính ổn định lâu dài với quyết định này.
Nếu muốn hiện thực hóa kế hoạch đặt ra, bạn cần tập trung vào những thứ thiết thực với cuộc sống của mình. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels. |
Lối sống cá nhân cũng có tác động lớn đến khả năng thực hiện mục tiêu của năm mới.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đặt mục tiêu đi ngủ lúc 21 giờ và dậy lúc 6 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, người yêu của bạn lại làm việc ca đêm. Trong khi đó, hai người lại lập kế hoạch dành nhiều thời gian cho nhau hơn, vốn là điều rất khó khăn.
Điều này có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ, cũng như khiến bạn nghi ngờ về khả năng quyết định, xây dựng mục tiêu của bản thân.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.