Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại huyện M’Đrắk, một trường hợp mắc sởi tại huyện Buôn Đôn.
Bên cạnh đó, việc gián đoạn trong cung ứng các vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine, nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch và chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh có thể bùng phát và diễn biến phức tạp.
Khi được tiêm chủng đầy đủ, trẻ sẽ được phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, giúp cơ thể trẻ chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Pexels. |
Do đó, nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bùng phát và lan rộng, đồng thời để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dự phòng bằng vaccine hiệu quả, CDC tỉnh đã có công văn đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể:
- Tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh/nghi nhờ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xét nghiệm khẳng định chẩn đoán;
- Triển khai các biện pháp xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.
- Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả;
- Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh.
- Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống các bệnh dự phòng bằng vaccine để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh;
- Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần hướng dẫn cơ sở giáo dục, nhất là trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch các bệnh dự phòng bằng vaccine.
Thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Nên đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Ảnh: Quang Nhật. |
Để phòng các bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng là việc làm mang lại hiệu quả nhất. Tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống bệnh.
Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Điều đó cho thấy tiêm chủng thật sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, rất dễ bị nhiễm bệnh, do đó, khi được tiêm chủng đầy đủ, trẻ sẽ được phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, giúp cơ thể trẻ chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm và giảm nguy cơ lây lan bệnh, dịch cho cộng đồng.
Vaccine sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm hay gặp như: bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ, sởi, lao, quai bị, viêm não Nhật Bản, rubella, tả và thương hàn.
95% trẻ được tiêm chủng sẽ hình thành hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể trước những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi trẻ được tiêm chủng, sẽ giúp trẻ giảm thiểu các rủi ro vì bệnh tật như biến chứng, di chứng, tử vong so với nhóm không tiêm phòng.
Chi phí dành cho việc tiêm chủng cũng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi mắc các bệnh truyền nhiễm, giúp tiết kiệm ngân sách và bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Vì vậy, các bậc phụ huynh, người giám hộ cần bám sát theo lịch tiêm vaccine cho trẻ để đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine để phòng bệnh.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.