Một bệnh nhân mắc ung thư đại tràng từng có 2 con mắc bệnh tương tự, trong đó, một người đã qua đời vì phát hiện muộn. Ảnh minh hoạ: Unsplash. |
Trước khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, bà N.T.C. (80 tuổi) thường xuyên mệt mỏi, sụt cân nhanh, thiếu máu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà mắc ung thư đại tràng. Đây là ca bệnh hiếm gặp với tổn thương ở 3 vị trí: đại tràng phải góc gan, đại tràng ngang và đại tràng xuống sát góc lách.
Đặc biệt, qua khai thác thông tin người thân, 2/4 người con của bà C. từng được phát hiện mắc ung thư đại tràng.
Người con trai đã phẫu thuật và truyền hóa chất ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm vào năm 2011, hiện sức khoẻ ổn định sau mỗi lần tái khám. Con gái bà C. đã qua đời vì phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.
Bà C. sau đó được các bác sĩ khoa Ngoại Ung bướu cắt toàn bộ đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái cao, nạo vét hạch hệ thống. Khoảng 2 tuần sau phẫu thuật, vết mổ khô, tiêu hóa thông tốt. Người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và đủ điều kiện xuất viện.
ThS.BS Phạm Văn Hùng, khoa Ngoại ung bướu, đánh giá đây là trường hợp có tổn thương hiếm gặp, khác với những ca ung thư đại tràng khác.
Cụ thể, người bệnh thông thường chỉ có tổn thương ở một vị trí như đại tràng trái, phải, đại tràng ngang… Trong khi đó, với ca bệnh này, ngoài tổn thương ở 3 vị trí được xác định trước phẫu thuật, khi nội soi đại tràng trước mổ, các bác sĩ tiếp tục phát hiện thêm một polyp kích thước khoảng 1,5 cm, bề mặt xung huyết ở đại tràng sigma.
"Những tổn thương này nếu không tầm soát và xử lý kịp thời thường sẽ phát triển thành tế bào ung thư trong tương lai", bác sĩ Hùng thông tin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2022, ung thư đại tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 thế giới với hơn 1,1 triệu người mắc. Bệnh cũng có số người tử vong cao thứ 5 toàn cầu với 538.167 ca.
Trong năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng do yếu tố di truyền dao động 5-7%. Cụ thể, khoảng 5% trường hợp ung thư đại tràng liên quan đến hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng không polyp di truyền). Khoảng 1% trường hợp là do đột biến gene liên quan đến polyp tuyến có tính gia đình.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tầm soát ung thư định kỳ 1 năm/lần đối với độ tuổi bắt đầu ngoài 40. Đặc biệt, những ai trong gia đình có nhiều người bị ung thư đại tràng, nên đi tầm soát theo cả gia đình vì bệnh này có yếu tố di truyền.
Đồng thời, mọi người cần có lối sinh hoạt lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống khoa học, không sử dụng các chất kích thích và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa các yếu tố bệnh lý liên quan đến ung thư.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.