Bệnh nhân được đưa về đất liền điều trị bằng trực thăng. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 175, anh P.K. (40 tuổi) là ngư dân, bị tai nạn lao động khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Tai nạn khiến ngư dân bị đứt rời hoàn toàn 1/3 trên cánh tay phải, chấn thương ngực kín, gãy xương sườn 4 bên phải, chấn thương phần mềm hàm mặt.
Anh K. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá Đảo Song Tử Tây sau tai nạn 8 giờ. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật cầm máu mỏm cụt, truyền dịch, kháng sinh, cầm máu, giảm đau...
Tuy nhiên, do người bệnh có biểu hiện đa chấn thương nặng, nguy cơ suy hô hấp, huyết động không ổn định, các bác sĩ đã ra chỉ định vận chuyển về đất liền điều trị bằng đường không.
0h ngày 4/6, tổ Cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175, dùng trực thăng ra đảo trong đêm. Sau 6 giờ bay, tổ đã tiếp cận được với anh K. tại đảo Song Tử Tây. Lúc này, người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, có biểu hiện khó thở, đau tức ngực bên phải, phải phụ thuộc oxy.
Sau khi sơ cứu tại chỗ, anh K. được đưa lên trực thăng, đồng thời thở oxy, bù máu, bù dịch, giảm đau và vận chuyển về đất liền điều trị.
Theo đại úy Đinh Văn Hồng, Tổ trưởng tổ Cấp cứu đường không, điều đáng lo nhất đối với trường hợp này trong quá trình vận chuyển bằng đường không là khi lên cao, chấn thương ngực phải của người bệnh có thể diễn tiến tràn khí màng phổi áp lực, có thể gây suy hô hấp nguy kịch trong quá trình bay.
"Tổ Cấp cứu đã hiệp đồng tốt cùng tổ bay để đảm bảo độ cao an toàn, đồng thời kiểm soát đau tốt, bù dịch điện giải và đặc biệt dự trù máu để bù cho bệnh nhân, đảm bảo chuyến bay an toàn đưa người bệnh về đất liền điều trị”, đại uý Hồng chia sẻ.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục được tầm soát các tổn thương sau đó hội chẩn bệnh viện để đưa ra các hướng điều trị tiếp theo.
Bãi đáp trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 là sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên tại Việt Nam. Phương pháp vận chuyển này có thể giúp tiết kiệm 20-30 phút so với cách vận chuyển thông thường, giúp tiết kiệm giờ vàng để cứu nhiều người bệnh.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.