Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do ngứa mắt

Nếu mắt bị ngứa kéo dài, kèm đỏ, nhiều vảy bám ở mi, khô cộm hoặc hay mọc chắp, lẹo tái đi tái lại, bạn nên đi khám sớm tại cơ sở chuyên khoa mắt.

Việc dụi mắt nhiều không những không đỡ ngứa mà còn dễ làm mắt đỏ, viêm nặng hơn. Ảnh: Optimuminfo.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Huyền Trang, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết ngứa mắt là triệu chứng rất thường gặp, gây khó chịu và khiến nhiều người có thói quen dụi mắt. Việc dụi mắt nhiều không những không đỡ ngứa mà còn dễ làm mắt đỏ, viêm nặng hơn.

Ngứa mắt có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý như viêm kết mạc dị ứng, khô mắt hay viêm bờ mi - một trong những bệnh mắt mạn tính phổ biến nhất, gây bất tiện lớn trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.

Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi là tình trạng viêm mạn tính ở mép mi mắt, có thể ảnh hưởng da mi, lông mi, kết mạc hay các tuyến Meibomius của sụn mi. Bình thường, tuyến Meibomius tiết ra lớp dầu phủ bề mặt nước mắt, ngăn nước mắt bay hơi quá nhanh. Khi tuyến này rối loạn, mắt sẽ khô và dễ viêm hơn.

Có hai dạng viêm bờ mi:

  • Viêm bờ mi trước: Thường do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng (như demodex, rận mi) bám ở chân lông mi, gây ngứa, đỏ, vảy bám quanh lông mi.
  • Viêm bờ mi sau: Hay gặp ở người lớn tuổi, do rối loạn chức năng tuyến sụn mi (tuyến Meibomius) làm tuyến bị tắc, dễ hình thành chắp, lẹo.

Triệu chứng thường gặp là ngứa mắt, đỏ mắt, vảy bám ở gốc lông mi, cảm giác khô cộm nhất là khi vừa ngủ dậy, thậm chí có thể dính bờ mi.

Các phương pháp điều trị viêm bờ mi

Theo bác sĩ Huyền Trang, với viêm bờ mi trước, bạn cần làm xét nghiệm vi sinh để xác định nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh nên vệ sinh bờ mi sạch sẽ hàng ngày bằng gạc tẩm thuốc chuyên dụng hoặc có thể dùng bông tẩy trang thấm nước ấm sạch, lau dọc theo bờ mi 5-6 lần, ngày 2 lần vào sáng và tối.

Với viêm bờ mi sau, người bệnh cần làm thông tuyến Meibomius bằng cách chườm ấm và massage mi. Cụ thể, dùng túi chườm chuyên dụng hoặc khăn sạch nhúng nước ấm áp lên mắt ít nhất 10 phút, sau đó massage nhẹ theo chiều vuốt từ trên xuống với mi trên, vuốt lên với mi dưới. Việc này giúp tuyến mở ra, tăng tiết lớp dầu tự nhiên, giảm khô mắt.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc nước mắt nhân tạo tùy mức độ bệnh.

"Khi viêm bờ mi sau không được xử lý tốt, tuyến bị tắc dễ hình thành chắp. Nếu có dấu hiệu sưng đau, người bệnh nên tích cực chườm ấm ngay từ đầu. Một mẹo dân gian an toàn là luộc quả trứng gà, để nguyên vỏ, bọc trong khăn giấy, thử nhiệt độ cho vừa rồi chườm lên vùng mí mắt sưng", bác sĩ Trang hướng dẫn.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nặn, day, bóp chắp để tránh viêm lan rộng. Chườm ấm kịp thời kết hợp dùng thuốc đúng cách có thể giúp chắp tan hoàn toàn, không cần can thiệp tiểu phẫu. Khi bị viêm bờ mi, bạn nên đi khám sớm để có chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Những lời từ trái tim bác sĩ

Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.

Trẻ em sốt do mắc bệnh gì?

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại sự tấn công của virus hay vi khuẩn. Trẻ bị sốt khi đo thân nhiệt ở nách bằng nhiệt kế từ 37,5 độ C trở lên. Một số trẻ có thể bị co giật khi sốt cao.

Bé 1 tháng tuổi ngộ độc sái thuốc phiện

Tin vào bài thuốc truyền miệng giúp trẻ hết tiêu chảy, gia đình đã cho bé 1 tháng tuổi uống sái thuốc phiện khiến trẻ ngộ độc, nguy kịch tính mạng.

Doanh nghiệp, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm sẽ bị kiểm soát gắt?

Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định mới để tránh lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm, nêu rõ trách nhiệm cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố và các bên tham gia quảng cáo.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm