Cha mẹ Nhật Bản dạy con tính kiên cường, không ngừng bỏ cuộc thay vì chỉ tin vào sự may mắn. Ảnh: Pexels. |
Sự kiên cường là chìa khóa để đối diện với căng thẳng và giúp mỗi người đạt được hiệu suất cao hơn trong mọi việc. Đó là điều chúng ta nên dạy con ngay từ khi con còn nhỏ.
Khi mới chập chững tập đi, con của bà Kate Lewis, một người mẹ ở Mỹ, luôn cảm thấy chán nản khi phải làm nhiệm vụ. Em dễ dàng bỏ cuộc mỗi khi gặp chuyện khó.
Ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần
Là một phụ huynh coi trọng sự tự lập, bà Lewis cảm thấy sự thiếu nỗ lực này rất đáng báo động, ngay cả với một đứa trẻ còn nhỏ.
Người mẹ luôn muốn thấy con trai kiên trì với những nhiệm vụ đầy thử thách và sẽ không bỏ cuộc ngay từ lần đầu tiên. Nếu lần đầu không thành công, bà muốn con thử lại thêm lần nữa.
Quan trọng hơn cả, bà Lewis tin rằng những điều bà dạy con ngay từ khi 2 tuổi sẽ định hình cách con tiếp cận cuộc sống trong tương lai, bà cũng muốn trao cho con những "công cụ" để con sống tự lập.
Trong quá trình dạy con, bà Lewis học được một điều từ người Nhật Bản. Cụ thể, giáo viên dạy tiếng Nhật đã dạy cho người mẹ một câu tục ngữ của người Nhật là Nana korobi ya oki (ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần).
Câu tục ngữ này hoàn toàn phù hợp với những điều mà bà Lewis muốn dạy con. Điều bà thực sự muốn là con trai phải học được thế nào là kiên cường, là đứng lên sau vấp ngã giống như câu tục ngữ của người Nhật dạy.
"Tôi không muốn con chỉ hướng đến thành công, mà phải tiếp tục cố gắng. Tôi muốn con tiếp tục thôi thúc bản thân, bất kể cuộc sống có gây ra những trở ngại nào cho con", người mẹ nói với Japan Today.
Câu tục ngữ Nana korobi ya oki (ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần) và câu nói ganbatte (cố gắng hết sức) là những bài học dạy con độc đáo mà người mẹ Mỹ Kate Lewis học được và muốn áp dụng với con mình. Ảnh: Pexels. |
Động viên cố gắng thay vì chúc may mắn
Khi đang nghĩ cách dạy con về tính kiên cường, một người bạn tình cờ nói với bà Lewis là "Chúc may mắn" sau khi bà kể với người đó về kế hoạch leo núi Phú Sĩ sắp tới.
Lúc đó, bà chợt nhận ra một sự khác biệt lớn giữa tư duy của người Mỹ và người Nhật về cách tiếp cận những thách thức lớn trong cuộc sống.
Cụ thể, người Mỹ sẽ nói "chúc may mắn" trước một kỳ thi hoặc bài thuyết trình quan trọng. Trong khi đó, người Nhật lại nói "ganbatte", nghĩa là cố gắng hết sức.
Việc động viên cố gắng, thay vì liên kết với sự may mắn hoặc khả năng tự nhiên, là một "hiểu biết" tương đối mới đối với người Mỹ trong cách nuôi dạy con. Nhưng điều này vốn là một phần trong văn hóa dạy con của người Nhật trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này.
Qua nhiều thập kỷ người Mỹ dạy con bằng những câu nói như "con thông minh quá", mới đây các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago và Đại học Stanford lại chỉ ra rằng cha mẹ nên dạy con bằng những câu nói mang tính khuyến khích, khen ngợi sự nỗ lực, ví dụ như "con đã rất chăm chỉ".
"Thay vì giới hạn trẻ bằng cách nói với các con rằng các con là ai, bạn nên khuyến khích chúng tin rằng tiềm năng của bản thân là vô hạn. Các con có thể làm mọi điều, miễn là nỗ lực và chăm chỉ", người mẹ rút ra bài học.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.