23h một ngày thứ Sáu, nhân sự marketing Phúc Hoàng (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận cuộc gọi từ sếp, lắng nghe yêu cầu sửa gấp sản phẩm truyền thông cho sự kiện mở bán sáng hôm sau.
Kết thúc cuộc gọi, anh rời khỏi giường, mở laptop thực hiện nhiệm vụ phát sinh, hoàn thành và gửi cho quản lý lúc 0h30.
Sáng hôm sau, Phúc Hoàng có mặt từ 7h30 tại khu vực tổ chức sự kiện của công ty, giám sát chương trình đến 13h. Toàn bộ hoạt động kể trên nằm trong thời gian OT (viết tắt của “overtime”, tạm dịch: làm thêm giờ) của Phúc.
Theo hợp đồng lao động, anh làm việc từ 8h30-17h30 từ thứ Hai đến thứ Sấu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.
“Nếu làm đúng giờ như hợp đồng quy định, tôi khó gây ấn tượng tốt với sếp và nắm bắt cơ hội thăng tiến. Tôi muốn trở thành quản lý vào năm sau nên phải cố gắng gấp đôi đồng nghiệp”, Phúc chia sẻ.
Một số nhân sự trẻ không ngại làm việc ngoài giờ hành chính vì mong muốn được công nhận, hy vọng vào cơ hội thăng tiến. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Giống với Phúc Hoàng, nhiều nhân sự trẻ sẵn sàng OT vì lo lắng, bất an khi chưa hoàn thành công việc, mong muốn được ghi nhận, chú ý và thăng chức trong thời gian ngắn.
Từ phía lãnh đạo, các quản lý cho biết luôn nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho nhân sự làm thêm giờ, đồng thời cố gắng xây dựng môi trường công bằng, tôn trọng nhóm nhân viên ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc.
Nhân viên 'nghiện' tăng ca
Đồng hồ đã điểm 1h sáng, Xuân Nhi (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), chuyên viên sự kiện nhiệt huyết tại công ty truyền thông quận 3 (TP.HCM), vẫn đang hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng cho sự kiện sắp tới.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhi làm việc đến tận khuya. Với đặc thù công việc, tình trạng OT (làm thêm giờ) là điều không thể tránh khỏi.
Mỗi khi có sự kiện, cô thường phải OT thêm 2-6 tiếng mỗi ngày, kéo dài trong khoảng 2 ngày. Có những sự kiện lớn, thời gian OT có thể kéo dài đến tận 1h sáng. Song, cô không hề cảm thấy mệt mỏi hay áp lực.
Nhiều người lao động tự nguyện tăng ca để hoàn thành công việc, thể hiện trách nhiệm đối với sản phẩm làm ra. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Công việc không chỉ dừng lại ở khâu lên kế hoạch, tổ chức mà còn bao gồm cả việc chuẩn bị vật dụng, phối hợp với các bên liên quan. Đặc biệt, một số vật dụng như cây xanh, hoa tươi chỉ để được trong thời gian ngắn, đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải làm việc liên tục để đảm bảo chất lượng sự kiện.
Bên cạnh đó, việc thi công sự kiện thường phải thuê bên thứ 3, kéo dài ngày đồng nghĩa với việc tăng chi phí. Chính vì vậy, để tiết kiệm ngân sách và đảm bảo tiến độ, đội ngũ làm sự kiện như Xuân Nhi thường phải làm việc ngoài giờ.
“Phần lớn thời gian OT là do tôi tự nguyện. Nhiệm vụ của tôi đã xong, nhưng thấy mọi người vẫn còn nhiều việc, tôi muốn ở lại hỗ trợ”, cô nói.
Dù không được tính thêm chi phí làm ngoài giờ, nhưng chính sách nghỉ bù hoặc đi trễ vào hôm sau của công ty khiến cô cảm thấy thoải mái và hài lòng.
Trước đây, Nhi từng làm việc cho một agency, nơi cô phải OT liên miên với 5-6 sự kiện mỗi tháng. Lương thấp và áp lực công việc đã khiến cô quyết định nghỉ việc.
“Tôi không ngại OT, nhưng tôi muốn được làm việc trong một môi trường tôn trọng và ghi nhận sự đóng góp của nhân viên”, Nhi khẳng định.
Minh Anh không ngại tăng ca trong những chuyến công tác dài ngày, cho rằng cơ hội trong công việc không đến nhiều lần. |
Tương tự, Minh Anh (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không ngại OT khi doanh nghiệp công nghệ của cô tổ chức giải đấu eSport hay ra mắt tựa game mới. Thời gian OT của cô tăng cao trong những chuyến công tác.
Để tiết kiệm chi phí “nuôi” nhân sự đi công tác, công ty Minh Anh hạn chế số lượng người di chuyển, dẫn đến tình trạng người ít việc nhiều, khiến cô thường xuyên phải làm thêm giờ.
Trong khi nhiều đồng nghiệp tranh thủ tham quan các địa danh tại Thái Lan hay Singapore trong những chuyến công tác dài ngày, Minh Anh lại “cắm mặt vào laptop” bất chấp những lời rủ rê. Nhân sự này cho biết không thể yên tâm vui chơi khi công việc vẫn còn dang dở.
“Sau này, tôi vẫn có cơ hội quay lại các quốc gia này để đi du lịch ‘không laptop’, thực sự tận hưởng kỳ nghỉ. Tuy nhiên, những cơ hội trong công việc không đến nhiều lần trong đời”, Minh Anh bày tỏ quan điểm.
Sau mỗi chuyến công tác, nhân sự 24 tuổi thường được ban lãnh đạo nhận xét, đánh giá cao, có khả năng yêu cầu tăng lương và nâng cấp chức vụ.
Quản lý đảm bảo quyền lợi, tránh thiên vị
Với vai trò quản lý, Trần San San (27 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) luôn cố gắng tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả nhưng đồng thời cũng khuyến khích nhân viên dành thời gian cho bản thân và gia đình.
“Công ty chúng tôi khuyến khích nhân viên làm việc đúng giờ hành chính, tôi cũng hạn chế nhắn tin và gửi email ngoài giờ”, quản lý với 3 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Quản lý Trần San San hiểu hoàn cảnh cá nhân của cấp dưới, không ép nhân sự OT. |
Tuy nhiên, cô cũng hiểu rằng, trong một số trường hợp đặc biệt, nhân viên có thể cần phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ công việc.
Dù không khuyến khích nhân viên OT thường xuyên, đặc biệt là những người đã có gia đình, San vẫn ghi nhận và đánh giá cao những người chủ động làm việc ngoài giờ để hoàn thành nhiệm vụ.
“Tôi hiểu rằng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, có người độc thân, có người đã có gia đình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tạo sự linh hoạt để mọi người có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân”, cô nói.
Với những nhân viên OT, San luôn đảm bảo rằng họ được hưởng đầy đủ các chế độ phụ cấp theo quy định của công ty. Quản lý chủ động trao đổi với bộ phận nhân sự để đảm bảo không ai chịu thiệt thòi.
Để tránh tình trạng quá tải công việc và OT kéo dài, San thường xuyên tổ chức các buổi họp nhóm để chia sẻ, đánh giá và phân bổ lại công việc cho phù hợp. Nhờ đó, đội ngũ của cô luôn đoàn kết, gắn bó và không có tình trạng ganh đua hay bất mãn.
Tương tự San San, Minh Vỹ (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nỗ lực đảm bảo đầy đủ phúc lợi cho nhân sự OT. Theo Vỹ, đây là nhóm nhân viên thể hiện tinh thần cống hiến cao, có trách nhiệm với công việc, nhưng lại vô tình tạo ra áp lực cạnh tranh cho nhân sự khác.
“Các quản lý thường dễ thiên vị nhân viên sẵn sàng OT. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở bản thân đối xử công bằng với cấp dưới, tránh tạo ra môi trường làm việc ganh đua độc hại”, Minh Vỹ chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Đối với nhân sự thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính, quản lý này ghi nhận bằng nhiều cách, ưu tiên đề xuất tăng lương. Đối với nhóm nhân viên đề cao sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cô đặc biệt tôn trọng, tránh giao việc ngoài giờ.
Theo Minh Vỹ, cái khó của quản lý là điều hành những nhân sự có phong cách làm việc, tính cách khác nhau. Quản lý giỏi là người biết phát huy thế mạnh của từng cá nhân, đồng thời đảm bảo xây dựng môi trường làm việc công bằng, bình đẳng.
Theo công ty luật lao động Cilenti & Cooper (Mỹ), OT (làm thêm giờ) đem lại nhiều lợi ích cho người lao động, bao gồm gia tăng thu nhập, phát triển kỹ năng, phát triển và thăng tiến.
Tuy nhiên, Cilenti & Cooper cũng khẳng định OT không phải phương pháp làm việc hiệu quả duy nhất. Nhân sự cần cân nhắc chế độ phúc lợi, sức khỏe tinh thần và thể chất khi làm việc ngoài giờ hành chính.
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.