Sở hữu căn penthouse 2 tầng rộng gần 250 m2 Minh Phương (35 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đầu tư số tiền hơn trăm triệu đồng vào các thiết bị dọn dẹp thông minh. Cô trang bị 2 robot hút bụi Deebot, máy hút bụi cầm tay công suất lớn Dyson và cả robot lau kính, mỗi thiết bị trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cô còn sở hữu tủ chăm sóc quần áo thông minh LG Styler, cũng là thiết bị cô ưng ý nhất. Chiếc máy có giá khoảng 40 triệu đồng, được Phương dùng để chăm sóc quần áo hàng hiệu tại nhà.
Chia với Tri Thức - Znews, Minh Phương cho biết các thiết bị gia dụng trong nhà đều được kết nối wifi và tích hợp vào hệ thống smarthome, cho phép điều khiển dễ dàng qua ứng dụng điện thoại.
Hệ thống smarthome trong căn penthouse của Minh Phương được thiết kế bởi kiến trúc sư. Ảnh: NVCC. |
Theo báo cáo Smart Home Appliances Market Size & Share Report, 2030 đăng tải trên Grand View Research, thị trường thiết bị gia dụng thông minh toàn cầu được định giá 29,03 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 9,2% trong giai đoạn 2023-2030.
Nhu cầu được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự gia tăng của các hệ thống nhà thông minh, các dự án cải thiện nhà ở ngày càng tăng và sự phát triển nhanh chóng trong công nghệ thông tin và truyền thông không dây.
Xu hướng sử dụng thiết bị gia dụng thông minh cũng diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, khi người tiêu dùng không ngại chi hàng trăm triệu đồng để sắm sửa các thiết bị thông minh, gia tăng chất lượng không gian sống hiện đại, tiện nghi.
Chi phí đầu tư lớn
Minh Chiến (26 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng thứ “thông minh” nhất trong nhà anh là hệ thống cửa mở tự động thông qua ứng dụng trên điện thoại. Khi lái xe về nhà, Chiến chỉ cần mở điện thoại, nhấn vào nút mở cổng chính trên smartphone, chờ khoảng 30 giây cho 2 cánh cổng sắt mở ra tạo thành lối vào.
Trước đây, anh thường xuyên phải xuống xe, tìm chìa khóa mở cổng, rồi trở lại xe lái vào sân, kết thúc quá trình này bằng việc đóng cổng. Hành động đóng mở cổng mỗi ngày tốn của anh đến 5-10 phút, trở nên đặc biệt bất tiện vào những ngày vội vã.
Đó cũng là lý do Minh Chiến thuyết phục bố mẹ đầu tư cho hệ thống đóng mở cửa tự động trị giá 20 triệu đồng/cổng. Với 5 cửa chính, gia đình anh chi trả 100 triệu đồng để không cần dùng đến chìa khóa khi ra khỏi nhà.
Minh Phương ưu tiên sắm các loại thiết bị thông minh có thể tích hợp vào hệ sinh thái smarthome. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, gia đình Chiến cũng trang bị một chiếc máy rửa bát giá khoảng 25 triệu đồng của thương hiệu Bosch, kết nối trực tiếp với ứng dụng trên điện thoại, cho phép theo dõi quá trình làm sạch chén đĩa, thông báo hoàn tất các thao tác.
Thiết bị thông minh tiếp theo trong căn nhà 3 tầng của gia đình Minh Chiến là hệ thống đèn cảm biến. Đèn trên cầu thang, trong phòng ngủ đều tự động bật khi người dùng bước đến, giúp sinh hoạt của anh và bố mẹ trở nên thuận tiện hơn.
“May mắn của tôi là bố mẹ nhanh chóng cập nhật, ủng hộ và biết cách sử dụng các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể thuyết phục phụ huynh lắp đặt một số món đồ khó dùng, đành để dành cho căn nhà riêng sau này”, Chiến nói.
Với Hà Nhi (29 tuổi, quận 7, TP.HCM), phòng tắm là không gian để trút bỏ mọi mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày dài làm việc.
Nhân viên văn phòng không ngại đầu tư gần 20 triệu đồng cho bộ sen tắm được trang bị bảng điều khiển kỹ thuật số hiển thị nhiệt độ nước nóng lạnh, dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn.
Bên cạnh đó, trong phòng tắm của Nhi còn thùng rác thông minh Joseph hơn 4 triệu đồng, được cô mua lại từ một người bạn.
"Tôi không phải lo về việc tay dính bẩn khi đổ rác, thùng rác thông minh này sẽ tự động gói túi rác lại", cô chia sẻ.
Máy rửa bát Bosch tại khu bếp gia đình Minh Chiến. Ảnh: NVCC. |
Loại thiết bị thông minh này cũng được Hằng Nga (32 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ưa chuộng. Cô đã chi 6 triệu đồng cho thùng rác cảm ứng tự mở nắp.
Đặc biệt, vốn không thạo việc nấu nướng, Hằng Nga cảm thấy ái ngại khi giúp việc của gia đình xin nghỉ, khiến cô trở thành người đứng bếp. Để giải quyết vấn đề này, Nga “mạnh tay” đặt hàng robot nấu ăn Thermomix trị giá 42 triệu đồng.
Bên cạnh việc nấu chín theo nhiều cách thức, ở nhiệt độ khác nhau, chiếc máy này còn giúp cô sơ chế thức ăn, thực hiện các thao tác cắt, băm, trộn, nghiền...
Chưa ưng ý hoàn toàn
Sau một thời gian sử dụng robot nấu ăn, Hằng Nga cho rằng chất lượng món do máy móc thực hiện không bằng hương vị thức ăn do con người dành tâm huyết chế biến. Tuy nhiên, đây vẫn là phương án “chữa cháy” phù hợp cho những người vụng về chuyện bếp núc như cô, xứng đáng với mức giá 42 triệu đồng.
Tuy nhiên, tất cả thiết bị bếp trong nhà Nga đều cần nguồn điện ổn định để hoạt động, gây ra những tình huống “dở khóc dở cười” khi mất điện. Trong một lần nhà cô bị cắt điện đột ngột, máy rửa bát lập tức dừng xả nước, để lại chén đĩa còn nguyên xà phòng, khiến Hằng Nga phải lấy ra tự rửa lại dưới vòi.
“Tôi may mắn không sử dụng robot nấu ăn lúc đó. Bát còn rửa lại được, chứ tôi không biết nấu thức ăn tiếp theo công thức nào”, Nga kể lại.
Minh Phương mất một thời gian để làm quen để điều khiển hệ thống smarthome. Ảnh: NVCC. |
Tương tự Hằng Nga, Minh Chiến cũng tương đối hài lòng với hệ thống đồ gia dụng thông minh trong nhà, quyết tâm xây dựng smarthome đồng bộ từ đầu khi ra ở riêng.
Điểm trừ duy nhất trong căn nhà hiện tại của gia đình anh là hệ thống đèn cảm ứng ngốn đến hàng chục triệu đồng nhưng hoạt động không tốt.
Đôi khi Chiến vào phòng một lúc lâu, đèn mới sáng. Những bóng được trang bị ở cầu thang cũng bật tắt không ổn định, nhận dạng kém.
“Nhiều đêm tôi nằm trong phòng thấy đèn cầu thang tự động bật, ra ngoài lại không thấy ai. Khi kiểm tra camera, tôi cũng không thấy người đi lại, đoán rằng lỗi nằm ở bộ cảm biến chưa tốt”, Minh Chiến chia sẻ về sự bất tiện khi sử dụng đồ gia dụng thông minh.
Về phía Minh Phương, cô mất một thời gian để làm quen với cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại để điều khiển hệ thống smarthome. Hơn nữa, nhờ hệ thống thông minh, chủ penthouse cũng nắm được chu trình hoạt động của các thiết bị gia dụng mà không cần có mặt tại chỗ, giúp cô chủ động hơn trong việc quản lý và sử dụng các thiết bị.
"Khi ngủ ở tầng dưới mà quên tắt đèn ở tầng trên, tôi có thể dễ dàng tắt đèn trên điện thoại. Bất cứ thiết bị nào khác quên tắt cũng có thể điều khiển từ xa", Minh Phương chia sẻ về sự tiện lợi mà hệ thống này mang lại.
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.