Helen (Singapore) dương tính với Covid-19 và được cấp giấy chứng nhận y tế có hiệu lực trong 5 ngày. Tuy nhiên, cô cho biết khi tờ giấy hết hiệu lực, cô sẽ phải tiếp tục làm việc tại nhà, dù cô đã khỏi bệnh hay chưa.
Nữ quản lý tại công ty vận chuyển cho biết sau 5 ngày đó, trừ khi cô nộp giấy chứng nhận y tế mới, nếu không công ty sẽ trừ thời gian nghỉ vào số ngày phép trong năm.
Vì không muốn phải đến gặp bác sĩ để xin xác nhận mới, Helen đã chấp nhận làm việc tại nhà dù vẫn còn đau họng, mệt mỏi, sốt và mất vị giác.
"Công ty tôi không thích nhân viên nghỉ ốm", Helen nói với CNA, cho biết thêm rằng cô không hài lòng với chính sách thiếu linh hoạt của công ty nơi mình làm việc.
Nhân viên nhiễm Covid-19 vẫn làm việc từ xa. Ảnh: Shutter Stock. |
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mới nhất, trung bình mỗi ngày Singapore có 10.000 ca nhiễm mới. Bộ Nhân lực nước này cảnh báo số nhân viên nhiễm bệnh, không thể đến văn phòng sẽ ngày càng tăng.
Sau 2 năm dịch bệnh, xu hướng work from home - làm việc từ xa - ngày càng phổ biến, nhiều người dù nhiễm bệnh vẫn buộc phải tiếp tục công việc thay vì mất việc hoặc bị cấp trên đánh giá thấp.
Không dám nghỉ ngơi
Dữ liệu từ các cuộc khảo sát do Engagerocket thực hiện vào năm 2021 cho thấy phần lớn người lao động Singapore (68%) không hề nghỉ phép trong 12 tháng qua, dù là phép năm, nghỉ ốm hay các hình thức nghỉ phép khác.
Công ty công nghệ về nhân sự cho biết thực tế này trái ngược với những gì mọi người dự đoán sẽ xảy ra trong một trận đại dịch.
Daniel, một giám đốc kinh doanh, cũng dương tính với Covid-19 và vẫn phải làm việc suốt thời gian tự cách ly tại nhà. Anh cho biết một trong những mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo công ty là có thể liên lạc được với anh hay không.
Nhiều người vẫn tiếp tục giải quyết công việc trong thời gian nghỉ ốm. Ảnh: Shutter Stock. |
"Tôi đã cố giảm bớt công việc trong thời gian cách ly vì cảm thấy thật sự không khỏe. Trước đây khi tôi nghỉ phép nhưng họ vẫn gọi điện, tôi chấp nhận. Nhưng bây giờ quá mệt mỏi vì nhiễm bệnh nên tôi hơi thất vọng".
Tháng 9/2021, trong thời gian phục hồi sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19, ông Aman Ullah (57 tuổi) đã đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ công việc cấp bách.
Ông cho biết không có áp lực thúc ép nào từ phía công ty nhưng ông vẫn quyết định làm việc trở lại sau 2 ngày nghỉ ngơi do cảm thấy mình có trách nhiệm.
Các cuộc khảo sát được thực hiện với 7.500 người trong các công ty thuộc nhiều phân khúc ngành ở Singapore từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 năm ngoái. Kết quả cũng chỉ ra rằng khoảng 59% những người tiếp tục làm việc khi bị ốm “không phản đối” chuyện này.
Ông Leong CheeTung, đồng sáng lập của EngageRocket, nói rằng có thể sẽ có ít động lực hơn để mọi người nghỉ ốm trong giai đoạn này.
Ông cho rằng người lao động thường không muốn mình trở thành người gây cản trở trong một dự án hay quy trình công việc, thế nên họ sẽ cố gắng thực hiện phần nhiệm vụ của mình dù đang mệt.
"Trong suy nghĩ của đa số người lao động, họ luôn tin rằng bản thân vẫn có thể giúp sức trừ khi bị đá ra khỏi cuộc đua".
Ảnh hưởng tinh thần
Tuy nhiên, ông Leong khuyến khích người lao động nghỉ ngơi khi bị ốm, vì điều đó sẽ tốt hơn cho sức khỏe tinh thần của họ.
Ông cho rằng cố làm việc khi bị ốm có thể gây tổn hại tinh thần cho nhân viên. Điều đó có thể dẫn tới một số hậu quả xấu như nhân viên suy sụp tinh thần, phá hoại công ty hoặc trút sự tức giận của mình lên người khác.
Chuyên gia khuyến khích người lao động nên nghỉ ngơi khi bị ốm để đảm bảo sức khỏe tinh thần. Ảnh: iStock. |
Bà Antoinette Patterson, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Safe Space, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sức khỏe tâm thần, cho biết bên cạnh việc công ty cho nghỉ phép theo luật định, người lao động cũng cần cảm thấy “an toàn về mặt tâm lý”.
"Tôi nghĩ điều mà nhiều nhà tuyển dụng, các nhà quản lý nhân sự có thể làm tốt hơn là thực sự cởi mở trong giao tiếp, khuyến khích nhân sự của mình rằng họ có thể nghỉ phép và tận dụng mọi lợi ích mà công ty cung cấp", bà nói.
Bà Patterson cho biết nếu nhân viên nghỉ phép khi ốm, họ sẽ được nghỉ ngơi đầy đủ và có thể làm việc hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn khi trở lại làm việc.
Cả bà Patterson và ông Leong đều nói rằng sự tin tưởng và giao tiếp trong công ty là điều cần thiết để đảm bảo người lao động cảm thấy an toàn khi thảo luận thẳng thắn xem bản thân họ có cần nghỉ ngơi hay không.
Ông Leong bày tỏ trong khi các công ty có thể đặt ra các chính sách, thì việc quyết định của từng nhóm và các thành viên trong nhóm thường là do những người lao động không khỏe muốn tiếp tục hay muốn nghỉ ngơi.
"Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào quyết định của người quản lý. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là giữ cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong nhóm ổn thỏa, hơn là để một cá nhân cảm thấy sợ hãi về những gì ông chủ sẽ nói khi họ nghỉ ốm".