Sahara vẫn có mưa, nhưng thường chỉ vài chục mm một năm và hiếm khi xuất hiện vào cuối mùa hè. Tuy nhiên, trong hai ngày vào tháng 9, mưa lớn đã rơi ở một số vùng sa mạc phía đông nam Morocco, sau khi một hệ thống áp thấp tràn qua tây bắc Sahara.
Dữ liệu vệ tinh sơ bộ của NASA cho thấy lượng mưa 200 mm ở một số khu vực trong vùng sa mạc khô cằn.
Errachidia - thành phố sa mạc ở đông nam Morocco - đã ghi nhận lượng mưa gần 80 mm, phần lớn chỉ trong hai ngày vào tháng trước. Lượng mưa này cao gấp 4 lần lượng mưa trung bình trong cả tháng 9 và tương đương với lượng mưa trong hơn nửa năm của khu vực này.
Những vùng khô cằn nhất thế giới cũng đang bị ngập lụt. |
Hình ảnh gây sốc từ Sahara
Houssine Youabeb từ cơ quan khí tượng Morocco trả lời AP tuần trước rằng: "Đã 30-50 năm nay chúng tôi mới có lượng mưa lớn trong thời gian ngắn như vậy".
Khi chảy qua địa hình sa mạc, mưa lớn tạo nên một cảnh quan mới đầy nước giữa những cây cọ và thảm thực vật. Một số hình ảnh ấn tượng nhất được chụp ở thị trấn sa mạc Merzouga - nơi trận đại hồng thủy hiếm hoi đã tạo nên những hồ nước mới giữa các cồn cát. Hình ảnh phản chiếu của những cây cọ trong thị trấn giờ đây lấp lánh trên diện tích rộng lớn của một đầm phá mới, được bao quanh bởi các cồn cát dựng đứng.
Mưa cũng làm đầy các hồ vốn khô hạn quanh năm, chẳng hạn như một hồ ở Công viên quốc gia Iriqui - công viên quốc gia lớn nhất Morocco. Hình ảnh vệ tinh của NASA từ khu vực này, sử dụng màu giả để làm nổi bật vùng nước lũ, cho thấy các hồ mới hình thành trên khắp các dải đất ở phía tây bắc sa mạc Sahara.
Các hồ nước mới xuất hiện ở sa mạc. |
Phần lớn lượng mưa rơi xuống các vùng xa xôi, thưa dân, nhưng cũng có những trận mưa lớn ở các thị trấn và làng mạc của Morocco, gây ra lũ lụt vào tháng trước, khiến hơn chục người thiệt mạng.
Sahara là sa mạc không phân cực lớn nhất thế giới, trải dài trên diện tích hơn 9 triệu km2.
Hình ảnh vệ tinh từ tháng 9 cho thấy những mảng lớn của sa mạc được phủ xanh khi bão di chuyển xa hơn về phía bắc so với bình thường - hiện tượng mà một số nghiên cứu đã liên kết với biến đổi khí hậu do con người gây ra. Theo nghiên cứu gần đây, có thể sẽ có nhiều trận mưa cực đoan hơn xảy ra ở Sahara trong tương lai, vì ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch tiếp tục làm nóng hành tinh và phá vỡ chu trình nước.
Lý giải
Theo Đài quan sát Trái Đất của NASA, những vùng đất không có cây cối ở Morocco, Algeria, Tunisia và Libya - những khu vực hiếm khi có mưa - hiện chứng kiến các thảm thực vật xanh tươi nảy nở.
Sylwia Trzaska - nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Trường Khí hậu Columbia - nói với ABC News rằng các loại thực vật này bao gồm cây bụi và cây gỗ ở những vùng trũng thấp như lòng sông. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hiện tượng thực vật nảy mầm ở Sahara khi một trận mưa lớn đổ xuống không hoàn toàn bất thường.
Khi các vùng khô cằn này ở châu Phi có lượng mưa lớn, hệ thực vật phản ứng gần như ngay lập tức, Peter de Menocal, chủ tịch kiêm giám đốc Viện Hải dương học Woods Hole, nói. "Có mưa lớn và các cồn cát sẽ trở thành những cánh đồng hoa xanh tươi tuyệt đẹp, nơi thực vật sẽ phát triển ngay lập tức trong một thời gian ngắn", ông cho biết.
Mảng xanh của thảm thực vật sau những trận mưa lớn ở châu Phi. |
Khu vực này từng là nơi sinh sống thường xuyên của cây xanh tươi tốt. Theo bài báo năm 2012 của ông Menocal, từ 11.000 đến 5.000 năm trước, Sahara được bao phủ bởi thảm thực vật và hồ. Còn nhà nghiên cứu Trzaska cho biết: "Trông giống như sa mạc, nhưng khi mưa đến, mọi thứ bắt đầu xanh tươi rất nhanh".
Ông Menocal cho rằng điều bất thường đáng bàn ở đây là đới hội tụ liên chí tuyến (Intertropical Convergence Zone, ITCZ) - hay vành đai mưa nhiệt đới - đang kéo dài về phía bắc tới tận sa mạc Sahara. ITCZ là khu vực thời tiết xấu trên bề mặt Trái Đất, nơi các gió mậu dịch từ bán cầu bắc và bán cầu nam gặp nhau. Khu vực này đặc trưng bởi sự hội tụ của các dòng không khí ẩm từ hai bán cầu, gây ra hiện tượng đối lưu mạnh và thường xuyên có mưa lớn.
Theo NASA, sự dịch chuyển về phía bắc trong đường đi của bão đang gây mưa lớn ở Sahara. Hệ thống gây mưa hình thành trên Đại Tây Dương và mở rộng về phía nam, kéo độ ẩm từ châu Phi xích đạo vào phía bắc sa mạc Sahara.
Ông Menocal nhận định rằng nhiệt độ đại dương cao kỷ lục ở phía bắc Đại Tây Dương đang góp phần làm thay đổi vành đai mưa, mang lại lượng mưa lớn đặc trưng của các khu vực ở xích đạo xa hơn về phía bắc.
Nhà nghiên cứu Trzaska cho biết sự chuyển đổi từ El Nino sang La Nina cũng có thể ảnh hưởng đến cách ITCZ di chuyển về phía bắc.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào đầu năm nay, biến đổi khí hậu có thể khiến vành đai mưa dịch chuyển xa hơn về phía bắc trong tương lai. Nhưng khi nhiệt độ đại dương ở những nơi khác trên thế giới bắt kịp Đại Tây Dương, vành đai mưa có khả năng sẽ dịch chuyển trở lại, thậm chí là về phía nam đường xích đạo, ông Menocal cho biết.
"Nhiều thập kỷ sau, khi các đại dương lớn ấm lên đồng đều hơn, chúng tôi hy vọng vành đai mưa sẽ thực sự trở lại vị trí ban đầu và thậm chí có thể dịch chuyển sang bán cầu bên kia", ông nói.
Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển về phía bắc của ITCZ qua Tây Phi cũng có thể góp phần làm giảm hoạt động nhiệt đới ở lưu vực Đại Tây Dương (Atlantic Basin). Dan Harnos, nhà khí tượng học tại Trung tâm Dự báo Khí hậu của NOAA, cho rằng các nhiễu động di chuyển qua khu vực này sau đó sẽ đi vào Đại Tây Dương qua vùng nước tương đối mát hơn. Bằng việc tiếp xúc nhiều hơn với không khí khô từ vĩ độ trung bình, khả năng hình thành bão sẽ bị cản trở.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.