Trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động của thần tượng Kpop, chương trình truyền hình được coi như một phần thiết yếu. Khi bước vào giai đoạn quảng bá ca khúc mới, thần tượng và công ty quản lý thường ưu tiên tham gia chương trình liên quan đến âm nhạc, qua đó giúp họ phô diễn kỹ năng trình diễn, hoặc show giải trí đem lại cho họ cơ hội thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào loạt show giải trí diễn ra trên sóng truyền hình Hàn Quốc trong thời gian gần đây, khán giả khó có thể bắt gặp ca sĩ thần tượng. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, tần suất xuất hiện của ca sĩ trên show thực tế ngày càng giảm sút, dù ngành công nghiệp Kpop vẫn phát triển mạnh mẽ tại cả thị trường nội địa và quốc tế. Dường như thần tượng "không có chương trình nào để tham gia cả".
Tần suất xuất hiện trên chương trình truyền hình của thần tượng ngày càng giảm sút. Ảnh: Naver. |
Không thể đảm bảo tỷ suất người xem
Công chúng Hàn Quốc cho biết họ không thường xuyên bắt gặp nhóm nhạc Kpop xuất hiện trên sóng truyền hình, kể cả ở chương trình giải trí thần tượng.
Knowing Bros của đài JTBC và Running Man của đài SBS là hai trong số chương trình thực tế thường xuyên mời thần tượng tới tham gia show dưới tư cách khách mời. Tuy nhiên, rất khó để tìm được tập phát sóng có sự xuất hiện của tất cả thành viên trong một nhóm nhạc.
Năm 2016, có tổng cộng 12 nhóm nhạc được mời tới Knowing Bros dưới tư cách một nhóm, tiêu biểu gồm WJSN, Hello Venus, Red Velvet, I.O.I, TWICE, Sistar, GFriend và Infinite. Tuy nhiên, tới năm 2021, con số này đã giảm xuống chỉ còn 7 nhóm, gồm SHINee, Brave Girls, Highlight, ITZY, aespa, 2PM và T-Ara. Trong số này, hai nhóm duy nhất có ít hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động tại giới giải trí là ITZY và aespa.
Tương tự, vào năm 2016, 6 nhóm gồm BTS, TWICE, Sistar, GOT7, Sech Kies và BlackPink đã tham dự chương trình Running Man. Thế nhưng, trong năm 2021, nhóm nhạc duy nhất xuất hiện tại show là Brave Girls. Nhóm được mời tới Running Man sau thành công của "bản hit lội ngược dòng" Rollin.
Một người làm việc tại đài truyền hình chia sẻ cùng tờ Ilgan Sports: "Thế hệ trẻ - đối tượng khán giả mục tiêu của ca sĩ thần tượng - không có thói quen xem show truyền hình trên TV. Do vậy, những chương trình có thần tượng góp mặt đạt mức rating không khả quan. Thay vào đó, fan Kpop có xu hướng theo dõi video trên nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến đài truyền hình cảm thấy áp lực nếu phải tuyển chọn thần tượng cho show thực tế".
Với ca sĩ tân binh có độ nhận diện công chúng thấp, việc giành lấy cơ hội xuất hiện trên chương trình truyền hình càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này là do các show giải trí có lượng khán giả trẻ ổn định như Knowing Bros, Running Man và Amazing Saturday đều ưu tiên mời ngôi sao nổi tiếng tới tham dự.
Brave Girls là thần tượng duy nhất xuất hiện dưới tư cách một nhóm tại Running Man trong năm 2021. Ảnh: SBS. |
Nhân viên của một công ty giải trí bày tỏ: "Nếu bạn phải cạnh tranh với thần tượng đình đám, diễn viên hàng đầu, phát thanh viên, ngôi sao thể thao - những người có khả năng đảm bảo tỷ suất người xem - bạn chắc chắn sẽ tụt lại về sau trong cuộc đua tuyển chọn người nổi tiếng này".
"Liệu có nhà đài nào lại thích đưa lên sóng những thần tượng không mấy ai biết mặt, vì sở thích của người hâm mộ Kpop và đối tượng người xem chính không hợp nhau không? Sẽ tốt hơn nếu lựa chọn các nhân vật mà đến khán giả lớn tuổi cũng ưa chuộng, như Im Young Woong và Song Ga In, để đảm bảo tỷ suất người xem", một chuyên gia khác tại đài truyền hình nhận xét.
Đối tượng khách mời yêu thích của chương trình thực tế thường là ngôi sao xu hướng, có độ nhận diện cao, đặc biệt là thí sinh đến từ cuộc thi nổi tiếng, được vô số khán giả trong nước theo dõi như Street Woman Fighter hay Mr. Trot. Khi cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, chuyện ca sĩ thần tượng dần vắng bóng trên show giải trí là điều không thể tránh khỏi.
Phương án thay thế dành cho thần tượng
Dưới tình trạng này, thay vì cố gắng xuất hiện trên sóng truyền hình nhưng không thể gặt hái kết quả tốt, hiện không ít nhóm nhạc chuyển sang tham dự show giải trí phát sóng trên mạng xã hội. Những show này được sản xuất với quy mô nhỏ hơn chương trình truyền hình, và được công chiếu trên kênh chính thức của từng show.
Nhờ tính chất đặc trưng, show thực tế trực tuyến giúp thần tượng quảng bá ca khúc mới một cách tự do mà không gặp hạn chế. Do vậy, đây đã trở thành lựa chọn ưu tiên của vô số nhóm mỗi khi họ phát hành sản phẩm âm nhạc mới.
Một số chương trình tiêu biểu gồm có Turkids On The Block với phát thanh viên Lee Yong Jin làm người dẫn chính, Jessi's Showterview của nữ nghệ sĩ Jessi và MMTG do MC, nhà sản xuất nội dung Jaejae tổ chức. Điểm chung nổi bật giữa các chương trình này là tài ăn nói linh hoạt, khả năng dẫn dắt của MC và nội dung thú vị, không gò bó, đem lại cơ hội thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau cho thần tượng.
Thần tượng Kpop chuyển sang hoạt động tại show giải trí trực tuyến. Ảnh: Naver. |
Ngày nay, khi tham gia chương trình giải trí do nhà đài thực hiện, nếu không phải ngôi sao xu hướng, có độ nhận diện cao, thời lượng xuất hiện của thần tượng đôi lúc chỉ vỏn vẹn vài giây, hoặc thậm chí bị cắt sạch, dù họ phải dành ra hàng tiếng đồng hồ để ghi hình. Điều này làm dấy lên tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ Kpop. Không ít người khẳng định các nhà đài đang đối xử bất công với ca sĩ.
Tuy nhiên, nếu tham dự show giải trí trực tuyến, nhóm nhạc thường đóng vai trò khách mời chính trong tập phát sóng, do đó, họ không cần lo lắng về thời lượng lên hình. Ngoài ra, việc chương trình được đăng tải công khai trên mạng xã hội, đôi khi gắn kèm phụ đề của một số ngôn ngữ phổ biến nhất, cũng giúp thần tượng thu hút lượng lớn người hâm mộ trên thị trường quốc tế. Do vậy, không ngạc nhiên khi nhóm nhạc đã có danh tiếng, điển hình như ITZY, TWICE, TXT, 2AM, vẫn lựa chọn tham gia show giải trí trực tuyến.
Không dừng lại ở đó, hiện công ty quản lý cũng có xu hướng sản xuất nội dung giải trí riêng cho nghệ sĩ của mình. Điều này giúp thần tượng tăng cường hoạt động quảng bá mà không phải lệ thuộc quá nhiều vào bên thứ ba.
Going Seventeen - show giải trí được sản xuất riêng cho nhóm nhạc nam Seventeen - là ví dụ điển hình. Với nội dung đa dạng được thay đổi qua từng tập, điển hình như tổ chức cuộc thi, đóng tiểu phẩm, tham gia trò chơi đuổi bắt và thực hiện tập kinh dị đặc biệt, Going Seventeen đạt tổng cộng hơn 260 triệu lượt xem. Đây được đánh giá như một trong số show giải trí do thần tượng tự sản xuất thành công nhất.
Going Seventeen là một trong số chương trình giải trí do thần tượng tự sản xuất thành công nhất. Ảnh: Naver. |
Trong quá khứ, tần suất xuất hiện của thần tượng trên sóng truyền hình, cũng như mức rating của tập phát sóng có thần tượng tham gia, từng được coi như thước đo sự nổi tiếng. Tuy nhiên, khi thế hệ trẻ không còn thói quen xem chương trình ở TV và chuyển sang theo dõi phim ảnh, show giải trí tại mạng xã hội, nền tảng OTT, không ít ý kiến cho rằng tỷ suất người xem "dường như không còn sức nặng như xưa".