Trong quá khứ, sequel (phim phần tiếp theo) là một con bài gần như cầm chắc thắng lợi đối với các studio lớn. Nhưng câu chuyện trong mùa hè 2016 lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Ngoại trừ Captain America: Civil War và Finding Dory, khán giả tỏ ra thờ ơ đến kỳ lạ đối với các phim phần hai, phần ba…
Những sequel không ai mong muốn
Trước đây, một bộ phim muốn có phần tiếp theo cần phải tạo dựng được cộng đồng fan nhất định. Nhưng ngày nay, bất cứ tác phẩm nào có doanh thu khả quan một chút là gần như ngay lập tức được “bật đèn xanh” thực hiện phần hai.
Có rất nhiều phim sequel ra rạp trong mùa hè năm nay. Nhưng chúng sẽ sớm chìm vào trong quên lãng. Ảnh: Outnow |
Đó là trường hợp của những Now You See Me (2013), Snow White and the Huntsman (2012) hay Alice in Wonderland (2010). Một gây chú ý với dàn diễn viên ấn tượng (nhưng không có ai là bảo chứng phòng vé), một gây xôn xao trước giờ chiếu bởi câu chuyện ngoại tình giữa nữ diễn viên chính và đạo diễn, và một “ăn theo” cơn sốt 3D mà Avatar (2009) tạo ra ngay trước đó. Nếu xét trên bình diện chất lượng, tất cả chỉ dừng lại ở mức trung bình khá.
Với trường hợp của Independence Day (Ngày độc lập), đạo diễn Roland Emmerich từng khiến cả thế giới ngất ngây cách đây 20 năm. Nhưng tập phim mới Resurgence của ông ra đời quá muộn, mang cốt truyện gần như lặp lại y nguyên tác phẩm gốc, cũng như thiếu vắng yếu tố ngôi sao.
X-Men: Apocalypse là “cú bước hụt” đáng tiếc của đạo diễn Bryan Singer và hãng Fox, khi chất lượng phim thua kém quá xa hai tập trước là First Class (2011) và Days of Future Past (2014). Teenage Mutant Ninja Turtles (Ninja Rùa) dựa vào cộng đồng fan nguyên tác, nhưng số đông bọn họ dường như đã quay lưng lại với thương hiệu điện ảnh sau phần một cách đây hai năm.
Chỉ có Finding Dory và Captain America: Civil War là những sequel hiếm hoi giành thắng lợi trong mùa hè 2016. Người ta từng hoài nghi về phần tiếp theo của Finding Nemo (2003), và cũng có ý kiến cho rằng bộ phim mới chỉ là “cái bóng mờ nhạt” của nguyên tác. Nhưng sức hút đến từ cái tên Pixar là quá lớn, và tính đến ngày 10/7, Finding Dory hiện là bộ phim ăn khách nhất trong năm 2016 tại Bắc Mỹ.
Không cần phải bàn luận nhiều về chiến thắng của Captain America: Civil War, bởi dòng phim siêu anh hùng hiện là “mốt thời thượng” tại Hollywood. Marvel Studios và Disney vẫn biết cách chiều lòng cả khán giả lẫn giới phê bình khó tính với những nhân vật người hùng của họ.
Theo thống kê, các rạp chiếu phim năm 2016 đón nhận tổng cộng 37 phim phần tiếp theo, tức nhiều gấp đôi so với thời điểm cách đây một thập kỷ. Và khán giả có lẽ đã cảm thấy “bội thực” với các sequel.
Các nhân vật nhàm chán
Một trong những lý do khiến người ta muốn theo dõi phần tiếp theo còn là vì các nhân vật, chứ không đơn thuần là nội dung câu chuyện. Captain America và Iron Man lúc nào cũng được người ta chờ đợi. Còn cô cá đãng trí Dory luôn cuốn hút đến lạ kỳ nhờ phần lồng tiếng của MC “lắm chiêu” Ellen DeGeneres.
Ngược lại, nhóm ảo thuật gia Tứ Kỵ sĩ trong Now You See Me rất ngầu, nhưng từng nhân vật lại thiếu đi cá tính nổi bật để khiến người ta nhớ lâu. Và câu chuyện tương tự cũng diễn ra với nhóm Ninja Rùa trên màn ảnh rộng.
Khi các nhân vật trở nên mờ nhạt, công chúng không còn nhu cầu gặp lại họ trên màn ảnh nữa. Ảnh: Disney |
Hiệu ứng 3D chẳng thể giúp cho tính cách nhân vật Alice hay Mad Hatter trong Alice in Wonderland và Alice Through the Looking Glass trở nên dày dặn hơn. Charlize Theron có thể quyến rũ đến ma mị khi vào vai nữ hoàng Ravenna, nhưng một mình cô thì không thể cứu vẫn nổi sự nhạt nhẽo của The Huntsman: Winter’s War.
X-Men: Apocalypse có lẽ đặc biệt hơn một chút, bởi những Giáo sư X, Magneto hay Mystique đều đã quá quen thuộc với khán giả. Nhưng họ quen thuộc tới nỗi những xung đột nội tâm ở tập phim mới trở nên sáo mòn. Còn kẻ thù mới của họ, Apocalypse, thì đúng là mẫu nhân vật phản diện nhàm chán điển hình của Hollywood: nói rất nhiều, nhưng lại chẳng làm được bao nhiêu.
Tất cả chỉ là do vội vàng kiếm tiền
Cây bút Mark Harris của trang Vulture đã nhận xét xác đáng như sau: “Liệu còn gì để kể hay không? Liệu có thể lôi kéo khán giả trở lại với câu chuyện mà họ cho rằng hoàn toàn đã có thể khép lại chỉ trong một tập phim hay không?
Đôi lúc các nhà làm phim cần thời gian để tìm kiếm ra câu trả lời. Aliens ra đời sau Alien 7 năm, Terminator: Judgment Day ra đời sau The Terminator cũng 7 năm. Cả hai đều không lặp lại y xì tập phim gốc, và đó là một trong những lý do khiến chúng gây dựng được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.
Các phim phần tiếp theo của mùa hè năm nay thì không. Phần lớn nhóm tác phẩm chỉ đơn thuần mang mục đích mở rộng thương hiệu, hơn là kể thêm câu chuyện mới.
Có phim hay phim dở, có phim thành công, có phim thất bại. Nhưng hãy thừa nhận rằng không khí mùa phim hè nay đã rất khác. Giờ các tác phẩm bom tấn không còn cầm chắc chiến thắng nữa. Có lẽ nhà sản xuất nên đặt cược cho những ý tưởng mới mẻ, những điều mà khán giả chưa từng được thấy hơn...”.
Tiếng nói của giới phê bình
Một thay đổi đáng chú ý nữa dành cho các phim sequel trong năm nay là doanh thu của chúng hầu như luôn tỷ lệ thuận với đánh giá đến từ giới phê bình khó tính. Chỉ có trường hợp cá biệt của Batman v Superman: Dawn of Justice hồi đầu tháng 4 khi phim thu hơn 872 triệu USD, trong khi chỉ nhận được điểm 27% trên Rotten Tomatoes.
Trong quá khứ, doanh thu phòng vé của các dự án bom tấn gần như không bị ảnh hưởng bởi ý kiến từ giới phê bình. Đến giờ, một trong những trường hợp đáng chú ý nhất và vẫn tiếp tục gây tranh cãi cho tới tận hôm nay chính là loạt Transformers do đạo diễn Michael Bay thực hiện.
Nhưng các bộ phim phần tiếp theo đắt đỏ của mùa hè 2016 lại không có được may mắn ấy. Theo thống kê của tạp chí Vox, giới phê bình đặc biệt thờ ơ với các sequel trong năm nay, nếu tính trong vòng 20 năm trở lại đây.
Số điểm trung bình trên Rotten Tomatoes dành cho các phim có kinh phí sản xuất trên 100 triệu USD năm nay hiện chỉ còn hơn 2009. Ảnh: Vox |
Số điểm trung bình trên Rotten Tomatoes của các dự án điện ảnh có kinh phí trên 100 triệu USD kể từ đầu 2016 cũng thuộc dạng gần như thấp nhất trong nhiều năm qua khi đang tạm dừng ở con số 51,1%.
Có lẽ đã đến lúc các studio nên lắng nghe ý kiến giới phê bình và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn cho các dự án tương lai của họ.