Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đã đưa ra thông tin chi tiết hơn về vấn đề này.
- Ông đánh giá ra sao về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay?
- Năm 2017, có nhiều phương thức thí sinh có thể lựa chọn để xét tuyển vào các trường đại học trên cả nước, cơ hội trúng tuyển vì thế rất rộng mở.
Thứ nhất là phương thức tuyển sinh truyền thống - dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển, nhiều ngành và nhiều trường ngay lúc làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia. Các nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp và không giới hạn nguyện vọng.
Thứ hai là tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT (xét tuyển theo học bạ). Đây là phương thức xét tuyển thuộc các trường đại học có đề án tự chủ tuyển sinh.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM. |
Mỗi trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển tương ứng từng phương thức.
Đối với phương thức xét tuyển học bạ, ngoài các trường nhận hồ sơ sơ tuyển trước đó thuộc khối đại học quốc gia, một số trường khác như Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF)... bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ngay từ đầu tháng 5. Thời gian xét tuyển như vậy rất thuận lợi cho thí sinh. Bởi vào thời điểm này, thí sinh đã biết điểm trung bình trong học bạ của mình, có thể chọn tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển.
- Theo ông, vì sao thí sinh ngày càng chuộng xét tuyển học bạ, mặc dù đây là một hình thức xét tuyển tương đối mới?
- Thật ra, phương thức này đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước và thực hiện tại Việt Nam từ 2 năm trước. Mùa tuyển sinh 2017, ước tính có hơn 150 trường đại học Việt Nam có xét tuyển bằng học bạ.
Sở dĩ, xét tuyển học bạ ngày càng chiếm ưu thế, được đông đảo thí sinh quan tâm, lựa chọn bởi những ưu việt: điều kiện xét tuyển tương đối mềm, thí sinh gần như nắm chắc cơ hội vào đại học sớm mà không cần hồi hộp chờ đợi, so sánh kết quả thi THPT quốc gia, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm áp lực thi cử.
Đây cũng là cơ hội cho các em thí sinh học khá, giỏi nhưng trong quá trình thi cử có thể không đạt thành tích như mong muốn.
- Thí sinh cần lưu ý gì khi xét tuyển vào đại học bằng học bạ?
- Điều kiện và thời gian xét tuyển học bạ khác nhau giữa các trường. Đa số trường xét tuyển bằng điểm học tập năm lớp 12. Thường các trường đưa ra tiêu chí, ngoài điều kiện tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đảm bảo tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 trở lên.
Tuy nhiên, vẫn có trường xét điểm của cả 5 học kỳ THPT. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh cụ thể của trường mà mình dự định nộp hồ sơ, tránh nhầm lẫn đáng tiếc.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF). |
Đặc biệt, khi xét tuyển bằng học bạ, thí sinh nên đăng ký sớm. Số lượng chỉ tiêu có hạn, nếu đủ số lượng đạt tiêu chí trúng tuyển rồi thì thí sinh nộp sau sẽ không còn cơ hội. Thêm nữa, thí sinh nộp sớm bao giờ cũng lợi thế hơn nộp sau, vì điểm chuẩn đợt sau tại nhiều trường thường cao hơn 1-3 điểm so với đợt trước.
- Ông có lời khuyên nào dành cho các thí sinh của mùa tuyển sinh năm nay?
- Bên cạnh việc chọn đúng ngành mình thích và đam mê, các bạn cũng nên cân nhắc chọn ngành, chọn trường vừa sức, phù hợp với năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển. Sau đó xem xét điều kiện xét tuyển cụ thể ở các trường để quyết định nộp hồ sơ. Nếu tham gia xét tuyển bằng học bạ, nhớ hoàn tất hồ sơ sớm, nộp sớm để giữ chỗ an toàn, nắm chắc cơ hội.
Một số trường đại học lớn có xét tuyển học bạ năm 2017:
Đại học Hàng hải Việt Nam: nhận hồ sơ từ 1/7
Học viện Tài chính: nhận hồ sơ từ 5/6
Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH): nhận hồ sơ từ 2/5
Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF): nhận hồ sơ từ 2/5