Nhà nghiên cứu Lê Phương Duy cho hay tục kiêng kỵ ở Tết xưa hiện tại có thể không còn phù hợp hoặc đã thay đổi. Những kiêng kỵ ngày xưa mang nét văn hóa, đừng biến thành mê tín.
Nhà nghiên cứu Lê Phương Duy - giảng viên môn Hán Nôm, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho hay người Việt thường kiêng quét nhà ngày đầu tiên của năm mới, kiêng không đổ rác 3 ngày Tết vì không muốn quét đi của cải, may mắn của gia đình.
Tục này bắt nguồn từ điển tích của Trung Quốc: Lái buôn tên Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần ban cho người hầu tên Như Nguyện. Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu. Một lần, vào mùng 1 Tết, vì làm vỡ chiếc bình quý, Như Nguyện bị chủ đánh nên cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh quét nhà, hót luôn cả đống rác có Như Nguyện bên trong đổ đi. Từ đó, nhà Âu Minh lại nghèo.
Người xưa cũng cho rằng trong 3 ngày Tết không được đi qua đêm để tránh tai ương. Các cụ thường dặn con cháu có đi phải có về. Chuyện này được ghi trong cuốn "Đất lề quê thói" của tác giả Nhật Thanh. Tuy nhiên, tục này trong xã hội hiện đại không còn nữa.
Người xưa cũng quan niệm ngày mùng 1 Tết không gội đầu kẻo bị trôi trí thức. Theo quan niệm dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh thủy thần, do đó kiêng giặt quần áo sẽ giúp tránh mạo phạm thần thánh, dẫn đến xui xẻo.
Trong Tết xưa, nhà Nho kiêng ăn cá chép vì nó là biểu tượng cho học trò hóa rồng. Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược lại khi nhiều nơi đầu năm lại có phong tục ăn cá chép với mong muốn mang lại sự may mắn. Đồng thời, họ có thói quen ăn cá để lại đuôi biểu hiện sự dư giả.
Tết Nguyên đán là ngày vui của mọi nhà, vì vậy những gia đình có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng 3 ngày. Mùng 1, họ cũng kiêng đi chúc Tết, xông đất các nhà khác.
Mâm ngũ quả hay quả để đi lễ ngày Tết cũng được chọn theo số lẻ, thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Nhiều người cũng quan niệm rằng chẵn là số âm, lẻ là số dương, số âm không được tốt.
Phong tục xông nhà ngày Tết thường được những người làm kinh doanh chú ý. Người xưa cũng kiêng những người có tang, đại tang, phụ nữ có thai không được đi chúc Tết.
Ngoài những quan niệm trên do nhà nghiên cứu Lê Phương Duy nêu, người dân ở một số nơi có nhiều điều kiêng kỵ khác như vay, trả đầu năm. Người xưa cho
rằng ngày đầu xuân thì nên mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả sẽ như "dâng" tài lộc cho người khác. Bởi vậy, những ngày đầu năm (hoặc cả đầu tháng), nhiều người thường không vay mượn hoặc trả nợ.
Nhiều người xưa cho rằng làm rơi vỡ đồ trong ngày Tết là dấu hiệu của điềm không may. Hơn nữa, rơi vỡ đồ còn mang ý nghĩa báo hiệu sự đổ vỡ, chia lìa của gia đình. Quan niệm này đã có nhiều thay đổi, thậm chí bị cho là mê tín trong xã hội hiện đại.
Xem hướng, ngày xuất hành đầu năm mới là tục lệ lâu đời của người dân Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, việc xuất hành vào ngày đầu tiên của năm mới có ý nghĩa rất quan trọng. Tùy ngày trong mỗi năm sẽ có tuổi hoàng đạo, tuổi xung khắc, giờ hoàng đạo, giờ hắc đạo...
Học sinh trên cả nước đang bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, cùng quây quần bên gia đình đón năm mới. Cha mẹ đừng bỏ lỡ thời gian quý giá này để dạy con những bài học hay.
Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất của người Việt suốt hàng nghìn năm lịch sử. Để “tống cựu, nghênh tân”, vua chúa, quan lại ngày xưa thường làm những gì?