Theo sách Lễ tết, ăn chơi trong cung Nguyễn, dưới thời phong kiến, lễ đón năm mới dưới thời phong kiến được bắt đầu từ ngày 1/12 hàng năm.
Ban sóc
Ban sóc nghĩa là ban lịch, diễn ra vào ngày 1/12, một lễ quan trọng dịp Tết thời nhà Nguyễn. Bấy giờ, khi Khâm Thiên Giám làm lịch cho năm sau đã xong, triều đình sẽ ra lệnh phân phát lịch cho hoàng thân, quốc thích, văn võ bá quan. Đây là một ân điển lớn.
Các ông hoàng, quan văn võ, mặc lễ phục tề tựu đông đủ ở cửa Ngọ Môn, một vị quan cao cấp của bộ Hộ tuyên phát lễ ban phát Bửu lịch - loại lịch dùng cho các quan và lịch Khâm Thiên Giám - dành cho trăm họ. Mọi người hướng về phía nhà vua đang ngồi trên ngai vàng và lạy 5 cái tạ ơn.
Ảnh minh họa hoạt động Tết trong cung triều Nguyễn. |
Nhiều năm, vua không có mặt trong lễ Ban sóc, mọi người vẫn lạy tạ ngai vàng bỏ trống. Ví dụ, lễ Ban sóc năm 1915 vắng mặt vua Duy Tân.
Sau khi lạy tạ xong, các viên chức của bộ Hộ bắt đầu phân phát lịch. Đây là lễ phát cho các quan và tượng trưng cho dân. Thực tế, sau khi đã được đóng ấn Hiệp kỷ, Khâm Thiên Giám đã gửi về địa phương nhân bản để ban phát, trừ tờ bìa có đóng dấu ấn Hiệp kỷ tại Huế.
Lịch Hiệp kỷ là cuốn sách quý, gồm 40 trang chữ Hán, in mộc bản trên giấy dó, chữ chân phương rõ nét. Lịch này không chỉ in ngày tháng đơn thuần, mà còn có những ngày sinh nhật, kỵ (giỗ), húy (tên cúng cơm) của các vua chúa triều Nguyễn. Trang cuối có ghi tên cơ quan làm lịch, chịu trách nhiệm xuất bản sách lịch.
Việc biên soạn và ban hành lịch là hoạt động văn hóa thể hiện chính sách trọng dân của triều Nguyễn. Cuốn lịch giúp dân biết sống thuận theo sự vận hành của trời đất, sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên.
Lau chùi kho báu quốc gia
Sau Ban sóc, hoạt động tiếp theo của triều Nguyễn vào những ngày cuối năm cận kề là lễ Phất thức, diễn ra khoảng ngày 20 tháng Chạp. Phất nghĩa là quét dọn, còn thức là lau chùi.
Trong ngày này, quân lính tập trung tại điện Cần Chánh - nơi đặt những chiếc tráp chứa đựng báu vật của quốc gia - để tiến hành lau chùi. Tại đây, có 6 chiếc tủ gỗ tinh xảo chứa ấn vàng, ấn ngọc của vương triều, được mở ra khi vua ngự giá.
Để rửa những báu vật này, phải lấy nước sông Hương cho vào một bình đầy hoa thơm, sau đó lau ấn bằng khăn màu đỏ. Ấn rửa xong được vào tủ và khóa lại, niêm ngoài hai chữ “Hoàng phong”.
Sau khi lau chùi xong, lính tráng, viên lại có nhiệm vụ kiểm kê toàn bộ báu vật trước khi bỏ vào tráp khóa chặt, chờ tới lễ khai ấn sang năm mới dùng. Báu vật ở đây gồm ấn tín, gươm báu, tượng trưng cho sức mạnh của nhà vua cùng những ngọc ngà, châu báu có giá trị khác.
Theo sách Lễ Tết, ăn chơi trong cung Nguyễn, vua có đến 46 chiếc ấn tín, tất cả đều được bảo quản tại điện Càn Thành. Trong số ấn tín nhà Nguyễn, nổi tiếng nhất là chiếc ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bửu. Nó được đúc thời vua Thiệu Trị (1847), làm bằng vàng, nặng tới hơn 4,7 kg. Khuôn ấn vuông, mỗi cạnh rộng khoảng 11 cm. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn bộ ấn tín, bảo vật biểu trưng cho sức mạnh của triều Nguyễn đã được bàn giao lại cho chính phủ cách mạng.
Dựng cây nêu
Đến ngày 30 Tết, Khâm Thiên Giám chọn giờ lành để bộ lễ dựng cây nêu. Đây là hoạt động cuối cùng của triều đình trước khi bước vào năm mới. Sau khi cây nêu ở kinh thành được dựng lên, các dinh thự, chùa chiền, địa phương cũng lần lượt dựng cây nêu, báo hiệu toàn dân nghỉ việc để ăn Tết.
Thành phố Huế tái hiện hình ảnh dựng nêu ngày xưa. Ảnh: VTC. |
Tuy nhiên, vì liên quan toàn dân, nhiều năm chờ đến giờ lành quá lâu, ảnh hưởng việc ăn Tết của nhân dân, từ cuối năm Tự Đức thứ 29 (1876), vua định lại: Cứ đến giờ Thìn ngày 30, tức khoảng 8-10h sáng 30 Tết, kinh thành sẽ lên nêu, không cần chờ đến giờ lành như trước.
Lễ Tết Nguyên Đán chính thức diễn ra vào sáng sớm mùng 1 đầu năm mới. Hôm đó, quân lính mang khí giới, cờ lọng, voi ngựa, xe cộ vua dùng được trang trí rực rỡ sắp hàng từ điện Thái Hòa đến điện Ngọ Môn.
Vua mặc triều phục từ điện Cần Chánh ra điện Thái Hòa rồi ngự lên ngai vàng để văn võ bá quan, hoàng thân quốc thích lạy mừng trong buổi thiết triều đầu năm mới.