Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý giải cái chết tuổi 27 của các rocker huyền thoại

Đã có rất nhiều ngôi sao ca nhạc, đặc biệt là các rocker, qua đời ở tuổi 27 và tạo nên một bức màn bí ẩn xung quanh "Câu lạc bộ 27".

“Câu lạc bộ 27” không còn là một thuật ngữ xa lạ đối với nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các fan của dòng nhạc rock. Đó là tập hợp của những nghệ sĩ nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 27, thường là do lạm dụng rượu hoặc ma túy và bị mưu sát. Khởi đầu bằng cái chết của các danh ca như Brian Jones, Alan Wilson, Jimi Henrix, Janis Joplin và Jim Morrison, nhưng mãi tới hơn hai thập kỉ sau, khi Kurt Cobain tự sát ở khu ngoại ô thành phố Seattle vào năm 1994, thì thuật ngữ này mới trở nên phổ biến.

Kurt Cobain là người góp phần giúp cho thuật ngữ "Câu lạc bộ 27" trở nên nổi tiếng.

“Tôi đã dặn thằng bé đừng có gia nhập cái câu lạc bộ ngu ngốc đó”, mẹ của Kurt Cobain đã nói vậy khi danh ca này qua đời. Lập tức, câu nói của bà xuất hiện trên các mặt báo khắp toàn cầu. Các cây bút và người hâm mộ bắt đầu tìm kiếm những mối liên hệ giữa Kurt Cobain và danh sách dài những nghệ sĩ tài năng tương đương cũng ra đi ở tuổi 27 định mệnh.

Tới năm 2011, đến lượt Amy Winehouse tiếp bước Kurt Cobain. Cái chết của giọng ca Black to Black đã mở đầu cho hàng loạt suy đoán, rằng liệu tuổi 27 có phải là cái tuổi bị nguyền rủa hay không. Và khi khoa học vào cuộc, dường như “Câu lạc bộ 27” không chỉ còn là một câu chuyện tâm linh hay thần thánh nữa.

Amy Winehouse là thành viên mới nhất của "Câu lạc bộ 27".

Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu ở Anh đã làm một cuộc khảo sát với 1500 nghệ sĩ trình diễn trong suốt 40 năm qua. Họ so sánh tuổi thọ trung bình của các nghệ sĩ nhạc rock với những người không thuộc dòng nhạc này tại cùng một khoảng thời gian. Ví dụ như tuổi thọ của Elvis Presley sẽ được so với tuổi thọ trung bình của các nam nghệ sĩ bước sang tuổi 21 khi ông phát hành đĩa đơn Hound Dog vào năm 1955. Kết quả họ tìm được là các ngôi sao nhạc rock ở Bắc Mĩ có 87,6% khả năng còn sống so với các đồng nghiệp không chơi rock có cùng tuổi và sắc tộc - con số thấp nhất trong nghiên cứu.

Sử dụng rượu và ma túy quá liều là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến, và đây cũng không phải chuyện bất ngờ bởi ngôi sao nhạc rock có thể tiếp cận được nguồn cung cấp thuốc trái phép bất cứ khi nào họ tìm được. Tác giả Howard Sounes của cuốn sách The 27 Club đã liệt kê được 50 thành viên không chính thức của “câu lạc bộ” này, và đa số những người này có vấn đề nghiêm trọng về lạm dụng chất kích thích. Nền văn hóa của dòng nhạc này, kết hợp với cuộc sống đầy cảm xúc, tạo thành môi trường hoàn hảo cho một cái chết trẻ.

Tay guitar thiên tài Jimi Hendrix "hội tụ" nhiều yếu tố để trở thành một thành viên tiêu biểu của "Câu lạc bộ 27".

Thêm vào đó, tác giả cũng chỉ ra rằng phần lớn các thành viên trong “Câu lạc bộ 27” có một tuổi thơ đặc biệt khó khăn, tạo nên nhiều vết thương tâm hồn đã gây cảm hứng sáng tác cho vô vàn nghệ sĩ, như Kurt Cobain và Jimi Hendrix, đưa họ đến với ma túy, rượu và âm nhạc như những liều thuốc cho bản thân.

Trong mối quan hệ của các nghệ sĩ này cũng tồn tại một xu hướng kì lạ. Nỗi đau này thu hút nỗi đau khác, và những nhạc sĩ lạm dụng ma túy thường vô tình hay cố ý kéo thêm những người sử dụng ma túy khác vào cuộc đời họ, tạo thành mối quan hệ tình cảm trước và tại thời điểm họ qua đời. Bạn gái của Jim Morrison đã nói dối cảnh sát khi ông qua đời, bởi cô ta muốn che giấu hành vi lạm dụng ma túy của bản thân, khiến cho những suy đoán vốn đã căng thẳng về sự ra đi của người đứng đầu The Doors càng trở nên nghiêm trọng.

Giả thiết về cái chết của thủ lĩnh của nhóm The Doors, Jim Morrison, chủ yếu là sử dụng heroin quá liều.

Trong khi rõ ràng là các ngôi sao nhạc rock có xu hướng chết trẻ hơn người hâm mộ cùng độ tuổi với họ, thì thực chất “Câu lạc bộ 27” giống “Câu lạc bộ tuổi 20 và 30” hơn. Có một danh sách dài các rocker mất sớm, cả trước và sau khi bước qua tuổi 27. Nhưng những thành viên của nó nhận được nhiều sự chú ý hơn cả, vừa bởi mức độ phổ biến của thuật ngữ này, lại vừa do cái chết của họ làm dấy lên nhiều tin đồn nhất.

Các vụ tai nạn hàng không đã cướp đi mạng sống của khá nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Buddy Holly hay Otis Redding, nhưng vẫn không thể sánh bằng nguyên nhân sử dụng ma túy quá liều. Bản báo cáo về cái chết của Jim Morrison trong bồn tắm tại Paris đã bắt nguồn cho bốn thập kỉ đồn đại. Suy đoán về cái chết của Kurt Cobain sẽ không bao giờ ngừng hấp dẫn người đọc. Chiếc máy bay chở Otis Redding và ban nhạc lao xuống hồ Monona ở Wisconsin cũng là một bi kịch, nhưng chắc chắn là không bí ẩn bằng. Vì vậy, bức màn bí mật che phủ “Câu lạc bộ 27” chỉ càng thêm dày.

Sự bí ẩn xung quanh cái chết của Kurt Cobain sẽ mãi mãi khiến cho người hâm mộ tò mò và nhắc đến.

Thực chất nhạc rock n’ roll không giết người, nhưng lối sống rock n’ roll thì có thể. Và những người bị cuốn sâu nhất vào lối sống ấy cũng là những người vượt quá giới hạn. Nhưng tin tốt là các tác giả của nghiên cứu năm 2011 cũng cho biết, lối sống rock hiện nay ít tồn tại nguy cơ hơn thời kì trụy lạc trong thập niên 1960 và 1970.

Một thành viên của đoàn nghiên cứu, Mark Bellis, đồng thời là chuyên gia về lĩnh vực lạm dụng chất kích thích, cho rằng nguyên nhân của sự thay đổi này có thể là sự chuyên nghiệp hóa: ngành âm nhạc đang dần trở thành một ngành công nghiệp, cũng như công việc sáng tác và biểu diễn đã trở thành lựa chọn nghề nghiệp, giống công việc văn phòng hay dịch vụ, thay vì chỉ làm lối thoát cho các thanh thiếu niên cảm thấy rối loạn về cuộc sống. Nhưng ngay cả khi khoa học có khả năng lý giải được sự việc, thì sự thần bí của con số 27 vẫn còn đó.

Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm