Ly thân "thử nghiệm"
Xa nhau một thời gian để cùng bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc, biết đâu bạn lại thay đổi được ván cờ hôn nhân?
Hãy dùng nước cờ ly thân thử nghiệm trước khi đặt bút vào lá đơn ly hôn.
Một công trình nghiên cứu sau khi ly hôn ở nước Anh đã cho thấy, có 5 người ly hôn thì có đến 4 người cảm thấy cuộc chia tay của mình là quá vội vàng. 84% số người được hỏi cho rằng thủ tục ly hôn bây giờ quá nhanh, đến nỗi họ chưa có thời gian để kiểm nghiệm xem quyết định của mình là đúng hay sai.
Một khi mâu thuẫn vợ chồng đã đi đến chỗ không thể hòa giải được, có chiều hướng dẫn đến ly hôn, nói chung, cả hai người đều rơi vào tình trạng tâm lý căng thẳng, rất khó đối thoại bình tĩnh và cũng rất khó tha thứ lỗi lầm của nhau. Khi một người đưa ra giải pháp ly hôn, người kia do tức giận và cảm thấy mình bị xúc phạm đã không phản đối.
Và thế là lá đơn ly hôn được viết rất nhanh, có đủ cả hai chữ ký. Ra đến tòa, hai người vẫn cảm thấy căng thẳng, người này chỉ nhìn thấy tội lỗi của người kia. Quan tòa hòa giải không được, đành chấp nhận cho "thuận tình ly hôn ".
Bất cần hay hối tiếc?
Các nhà nghiên cứu sau ly hôn cho thấy, đa số các vụ ly hôn, cả hai người trong cuộc đều thấy cái giá phải trả về mặt tinh thần, tình cảm với bản thân, cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn và nhất là các con cái.
Cũng có những người bất cần khi phân chia tài sản. Miễn chia bôi thế nào cũng xong miễn là được giải phóng khỏi người kia. Nhưng chỉ sau đó không lâu, họ đã cảm thấy hối tiếc vì quá thiệt thòi. Một vị chánh án nhận xét, chỉ có chừng 1/4 số vụ ly hôn do bi kịch gia đình thực sự, còn lại do những nguyên nhân nhiều khi hết sức vụn vặt và nếu bình tĩnh xử lý có thể tránh được đổ vỡ.
Một đôi vợ chồng trẻ ở Hà Nội, chung sống được 5 năm và đã có một đứa con trai kháu khỉnh lên 3 tuổi. Người chồng làm lái xe cho một công ty nhưng sau một vụ vi phạm kỷ luật, anh bị đuổi việc. Cả ngày đã ở nhà trông con nên buổi tối vợ về, anh ta thường la cà sang hàng xóm chơi cờ, uống rượu, có khi đến nửa đêm mới về. Một lần anh ta gọi cửa, vợ không mở. Đến khi nghe tiếng đập dữ dội người vợ đành phải mở. Chồng vừa vào nhà đã tát luôn vợ một cái.
Hôm sau, vợ viết luôn đơn ly hôn. Người vợ thừa nhận là thực ra anh ấy là người yêu vợ, thương con, chỉ đôi khi tính nóng nảy. Anh chồng giờ đã làm ở một hãng taxi, thỉnh thoảng vẫn rẽ qua nhà tranh thủ gặp con một lúc. Có lần hai vợ chồng gặp nhau, cả hai cùng ngượng ngùng nhưng chưa ai giám thú nhận lỗi vì quá ân hận vì đã vội vàng.
Thế nào là ly thân thử nghiệm?
Ly thân thử nghiệm là vợ chồng tránh tiếp xúc với nhau một thời gian. Có thể ở riêng hai người hai nơi, có thể vẫn ở chung một nhà nhưng không chung phòng, đặc biệt là không nói chuỵện, tránh cãi nhau. Khoảng thời gian đó để hai người bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc. Trước khi quyết định ly hôn, mỗi người nên lấy ra một tờ giấy, kẻ làm hai cột.
Một cột ghi những ưu điểm của "đối phương", cột kia ghi những tội lỗi của họ. Khi bình tĩnh nhìn lại cả hai cột đó một cách khách quan, nếu thấy ưu điểm vẫn là cơ bản, còn khuyết điểm chỉ là vụn vặt và có tính nhất thời, có thể sửa chữa và khắc phục dần thì có thể nhân nhượng.
Hãy nghĩ rằng nếu cứ khăng khăng ly hôn, liệu khi "đi bước nữa", có gặp được người tốt hơn không. Nếu cứ làm như vậy mà vẫn không lay chuyển ý định ly hôn của mình lại lấy tờ khác cũng chia làm hai cột, một cột ghi ly hôn được và cột ly hôn mất gì để cân nhắc. Có khi cái đó chỉ là thỏa mãn lòng hiếu thắng còn mất lại là quá lớn.
Sự tức giận giảm theo thời gian
Quy luật tâm lý đã chỉ ra rằng, tất cả mọi tình cảm của con người đều đi theo chiều hướng suy giảm dần theo thời gian. Sự tức giận cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nỗi tức giận tới 10 phần nhưng sau thời gian thử nghiệm, nó sẽ giảm xuống chừng hai, ba phần. Đặc biệt, trong thời gian này nếu có vai trò trung gian của các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm thì khả năng đổ vỡ giảm đi ít nhiều.
Nếu chẳng may chúng ta rơi vào tình huống phải ly hôn lập tức, sớm ngày nào hay ngày đó thì cũng nên ly thân thử nghiệm một thời gian xem sao. Khoảng thời gian này tối đa là 3 tháng, không nên kéo dài để tránh làm cho tình huống phức tạp thêm. Nếu cuối cùng vẫn không thể tìm ra giải pháp nào hơn thì lúc ấy ly hôn cũng đâu là quá muộn?
Theo Thời Trang Trẻ