Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý Tử Thất bị phản đối vì coi kim chi là của Trung Quốc

Đây không phải lần đầu tiên dân mạng Hàn Quốc tức giận vì Trung Quốc “nhận vơ” kim chi là món ăn truyền thống của xứ tỷ dân.

Ngày 9/1, “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất đăng một video muối củ cải dài 19 phút với hashtag #ChineseCuisine và #ChineseFood (tạm dịch: Đặc sản Trung QuốcẨm thực Trung Quốc).

Hành động của cô nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dân mạng quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc, theo SCMP.

Ly Tu That lam kim chi anh 1

Lý Tử Thất gọi món cải muối trong vlog mới nhất là "đặc sản Trung Quốc".

Nhiều người chỉ trích nữ blogger nổi tiếng đã ăn cắp văn hóa Hàn Quốc và khơi lại cuộc xung đột văn hóa lâu đời giữa hai quốc gia. Thậm chí, họ yêu cầu Lý Tử Thất xóa video, cho rằng sản phẩm lần này của cô “là một sự xúc phạm”.

Trong video mới nhất với tựa đề “Cuộc đời của một củ cải trắng”, nữ blogger 30 tuổi đưa người xem đi qua từng công đoạn muối củ cải, từ lúc nhổ nó lên khỏi mặt đất đến khi ngâm cùng cải ngọt và gia vị cay. Sau đó, cô sử dụng món củ cải muối này để ăn với cháo.

Nhiều người cho biết cách Lý Tử Thất ngâm rau rất giống phương pháp làm món ăn truyền thống nổi tiếng ở xứ củ sâm.

“Thật vô lý! Trung Quốc đang trộm cắp cả văn hóa của chúng ta!”, một người Hàn Quốc để lại bình luận dưới video.

Trong khi đó, dân mạng Trung Quốc chế giễu người dân xứ củ sâm “tranh giành những vấn đề nhỏ nhặt như vậy” với họ.

Ly Tu That lam kim chi anh 2

Cách muối cải của Lý Tử Thất giống phương pháp làm kim chi của người Hàn Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên người dùng Internet Hàn Quốc tức giận vì Trung Quốc “nhận vơ” kim chi.

Đầu tháng 12/2020, Trung Quốc giành được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho Pao cai - một món cải muối ở Tứ Xuyên. Tờ Global Times gọi thành tựu này là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”.

Kim Seol-ha (28 tuổi), một cư dân ở thủ đô Seoul, cho biết: “Tôi đọc được một bài báo đề cập rằng Trung Quốc tuyên bố kim chi là của họ và họ đang thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho món này. Điều này thật không tưởng! Tôi lo lắng rằng đến một ngày, Trung Quốc sẽ ăn cắp cả trang phục truyền thống hanbok và cả những nội dung văn hóa khác nữa”.

Tuy nhiên, ISO bác bỏ tuyên bố trên, đồng thời làm rõ chứng nhận của tổ chức là dành cho Pao cai, không phải kim chi. Pao cai khác kim chi ở cách chế biến và nguyên liệu sử dụng.

Ly Tu That lam kim chi anh 3

Lý Tử Thất không đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ tranh cãi.

Xung đột văn hóa giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không chỉ xoay quanh thực phẩm. Họ tranh luận nguồn gốc của nhiều loại hình văn hóa khác nhau, từ trang phục đến châm cứu, và cả những ngày lễ truyền thống.

Tháng 11, họa sĩ truyện tranh Trung Quốc Old Xian bị chỉ trích khi đăng một bức tranh vẽ 4 nhân vật mặc hanfu - trang phục truyền thống Trung Quốc.

Tuy nhiên, người dùng mạng Hàn Quốc phản đối kịch liệt, khẳng định rằng những bộ váy đó là hanbok, đồng thời cáo buộc họa sĩ này âm mưu ăn cắp văn hóa của họ.

Lý Tử Thất, ngôi sao Internet với hơn 14 triệu người theo dõi trên YouTube, là một trong những người đi đầu trong trào lưu làm vlog ẩm thực phong cách làng quê tại Trung Quốc.

Nữ blogger hiện sinh sống tại vùng núi hẻo lánh ở tỉnh Tứ Xuyên nhận nhiều thiện cảm nhờ vẻ ngoài khả ái cùng các kỹ năng nấu nướng, làm đồ gia dụng, mỹ phẩm tại nhà.

Dù hiện có sự nghiệp thành công, được giới trẻ nhiều nước châu Á biết tới, Lý Tử Thất từng gặp không ít phiền toái cũng như dính nhiều tranh cãi về phong cách làm video của mình.

Kỳ lân công nghệ sụp đổ, hàng nghìn người Trung Quốc vô gia cư

Do bị đuổi đi đột ngột, nhiều người trẻ phải ngủ tạm trong các cửa hàng đồ ăn nhanh để tránh cái rét mùa đông trong khi cố gắng tìm nhà ở thay thế.

Hồng Chang (Theo SCMP)

Ảnh: YouTube nhân vật

Bạn có thể quan tâm