Deborah Jeane Palfre, nổi tiếng với biệt danh “má mì Washington D.C ” hay “D.C Madam”, sinh ra tại thị trấn nhỏ thuộc bang Pennsylvania. Người phụ nữ này lớn lên ở vùng Orlando, California.
Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Rollins với tấm bằng chuyên môn về tư pháp hình sự, Palfey tiếp tục hoàn thành khóa học 9 tháng tại trường luật Thomas Jefferson.
Con đường trở thành "má mì"
Với vai trò trợ lý luật sư rồi sau đấy là nhân viên phục vụ cocktail, Palfrey bắt đầu dính líu đến đường dây mại dâm tại San Diego. Tuy nhiên, khi dấn thân với lĩnh vực mới, “D.C Madam” không mấy suôn sẻ bởi cáo buộc từ phía phụ huynh của một gái bán hoa.
Deborah Jeane Palfre sau buổi xét xử năm 2007. Ảnh: Getty. |
Palfrey bị bắt vào năm 1990 nhưng sau đó được tại ngoại. Mặc dù bị cơ quan pháp luật kiểm soát chặt chẽ nhưng "má mì" nổi tiếng này vẫn tìm mọi cách lách luật để gây dựng đường dây mại dâm. Cuối cùng, Palfrey vẫn bị bắt giữ và áp giải về California với bản án 18 tháng tù.
Được thả ra và lại tiếp tục với kế hoạch ban đầu, nhưng lần này Palfrey thông minh và khéo léo hơn. Lợi dụng sức ảnh hưởng của mình trong giới thượng lưu Mỹ, Palfrey đã thành lập Công ty Pamela Martin & Associates.
Bà ta lôi kéo rất nhiều cô gái trong độ tuổi 23- 55 tham gia vào tổ chức nhờ đăng tin tìm người trên báo và Internet. Palfrey đủ thông minh để nhận ra rằng mình đang bị theo dõi. Do vậy, bà ta đã chuyển mọi hoạt động kinh doanh sang điện thoại và thư điện tử từ nhà riêng ở Vellejo, California nhằm tránh tai mắt của cảnh sát.
Trong suốt 13 năm điều hành mạng lưới gái gọi cao cấp dưới bút danh “quý bà Julia”, Palfrey đã kiếm được 2 triệu USD đồng thời sở hữu số lượng nữ nhân viên lên đến 132 người.
"Má mì Washington" treo cổ tự tử
Tháng 10/2006, nhân viên của dịch vụ kiểm tra bưu điện Mỹ đã đóng giả là một cặp đôi đang quan tâm đến việc bán nhà của Palfrey. Họ nhanh chóng tiếp cận được thông tin về số tài sản bà ta đang nắm giữ.
Trước đó, từ năm 2004, Sở thuế vụ Mỹ (IRS) đã nghi ngờ hoạt động kinh doanh của Palfrey. Tuy nhiên, để không bị lộ kế hoạch, họ chỉ mở một cuộc thăm dò kéo dài 2 năm nhằm theo dõi tổ chức.
Sau thời gian điều tra, giới chức Mỹ đóng băng tài khoản ngân hàng có trị giá hơn 500.000 USD, tịch thu các giấy tờ liên quan đến rửa tiền và phí giao dịch mại dâm.
Palfrey luôn một mực khẳng định công ty của bà chỉ cung cấp các dịch vụ massage, múa hát lành mạnh. Ảnh: Getty. |
Tưởng rằng với các cáo trạng bao gồm rửa tiền, sử dụng thư điện tử vì mục đích trái pháp luật và gian lận, “má mì Washington” sẽ phải đối mặt với án tù 55 năm. Tuy nhiên khi phán quyết chưa đưa ra, Palfrey treo cổ tự sát vào ngày 1/5/2008.
Kể cả trước khi chết hay lao đao sau vòng lao lý, Palfrey luôn một mực cho rằng Công ty Pamela Martin & Associates chỉ cung cấp cho khách hàng thượng lưu các dịch vụ như múa và massage khỏa thân, chứ không bán dâm.
Montgomery Blair Sibley, luật sư của Palfrey, cho biết: “ Hầu hết nhân viên chỉ làm việc 3 đêm/tuần và các cuộc gặp gỡ đều diễn ra ở khu nhà riêng hoặc khách sạn trong 90 phút. Hơn nữa, các vũ công múa trong câu lạc bộ không phải là gái mại dâm và công việc của họ cũng không trái pháp luật”.
Nhưng các công tố viên liên bang không nghĩ sẽ bại trận trước những lập luận sắc bén bên phía luật sư của “má mì” bởi họ có đủ bằng chứng thuyết phục cho thấy khách hàng và cộng sự đang phản bội lại bà ta. Các khách hành luôn bị quấy rầy từ nhiều cuộc gọi và tin nhắn mời chào của công ty này.
Ngày 4/5/2007, xuất hiện trên kênh truyền hình ABC, Palfrey tuyên bố mình đang sở hữu danh sách số điện thoại từ 10.000 đến 15.000 của khách hàng trong suốt 13 năm làm chủ Công ty Pamela Martin & Associates.
Điều này đã làm chấn động cả thủ đô Washington D.C lúc bấy giờ. Nhiều quan chức cấp cao và người nổi tiếng lo sợ tên mình sẽ bị lộ tẩy và đưa ra với tư cách nhân chứng trước tòa.
Cái chết đầy nghi vấn và những danh sách đen
Deborah Jean Palfrey đã để lại hai bức thư tuyệt mệnh cho mẹ và em gái trước khi treo cổ tự tử cùng với lời giải thích “không thể chịu đựng được suy nghĩ về tương lai trong nhà tù”.
Trong ghi chép của cảnh sát, Palfrey viết: “Con muốn mẹ biết rằng con rất yêu mẹ nhưng con không thể tiếp tục cuộc sống sau song sắt nhà tù. Và đây là kiểu “hành hình” thời hiện đại mà cả mẹ và con đều hiểu rõ. Hơn nữa, nếu có thoát khỏi cảnh tù đày, con sẽ khó tiếp tục sống khi mình chỉ là một kẻ tuyệt vọng, không tiền và cô đơn”.
“Má mì Washington” kết liễu cuộc đời mình bằng cách treo cổ ngoài căn nhà kho gần nơi ở của mẹ đẻ tại thành phố Tarpon Springs, bang California.
"Quý bà Julia" đã tìm đến cái chết để thoát vòng lao lý. Ảnh: Getty. |
Thời điểm đó, nhiều tin đồn cho rằng Palfrey đã bị mưu sát nhằm che đậy tên tuổi của nhiều quan chức và nhân vật nổi tiếng ở thủ đô Washington có liên quan đến đường dây gái gọi cao cấp.
Tuy nhiên cảnh sát đã phủ nhận mọi cáo buộc vô lý và kết luận "không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Palfrey bị mưu sát".
Tháng 5/2007, điều tra của ABC News hé lộ ra nhiều tên tuổi “lẫy lừng” từng là khách hàng của "quý bà Julia". Bản danh sách hé lộ 30.000 cuộc gọi của khách hàng trong 4 năm (từ 2002 đến 2006), trong đó có các CEO, nhà nghiên cứu, luật sư…
Tuy nhiên, ABC News chỉ công bố hai cái tên mà họ xác định từng là khách hàng quen thuộc của “D.C Madam”. Từ đó đến nay, ABC News không công bố bất kỳ tên mới nào.