Một tuần sau khi tổ chức lễ cưới, Pha Lê (27 tuổi, sống tại Cần Thơ) và chồng xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ba mẹ chồng của cô cũng test nhanh dương tính.
"Quá nhiều lần trở thành F1, từ lâu tôi đã sẵn sàng đón nhận tin này", Lê nói.
Vợ chồng Pha Lê không phải trường hợp hiếm hoi trở thành F0. Trong bối cảnh Việt Nam tăng hàng trăm nghìn ca bệnh mỗi ngày, rất nhiều người bất ngờ mắc bệnh dù không rõ tiếp xúc nguồn lây nhiễm từ bao giờ.
Bạn bè xung quanh đều là F0 khỏi bệnh
"Cảm giác vượt qua Covid-19 thật sự rất khác biệt. Không phải khác do triệu chứng bệnh đặc biệt mà vì mình không nghĩ 2 vợ chồng lại vượt qua nhanh chóng và dễ dàng như vậy", Pha Lê chia sẻ.
Ngày 14/3, vợ chồng Lê bị cảm nhẹ, lần lượt test nhanh dương tính. Cả 2 trở thành F0 chỉ sau khoảng một tuần tổ chức tiệc cưới tại quê nhà. Ít ngày trước đó, ba mẹ chồng cô cũng nhận kết quả dương tính do tiếp xúc với học sinh tại trường.
Pha Lê đang điều hành một công ty chuyên dịch vụ marketing tại TP Cần Thơ. Chồng cô kinh doanh bất động sản. Do tính chất công việc, cả 2 thường xuyên tiếp xúc rất nhiều người.
Pha Lê và chồng lúc tổ chức lễ ăn hỏi online tại nhà riêng. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Tôi không nhớ hết số lần trở thành F1, F2. Nếu đếm sơ sơ người thân, bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, có lẽ cũng trên 15 lần F1", nữ giám đốc chia sẻ.
Dù bất ngờ mắc Covid-19 dù không có triệu chứng đáng kể, Pha Lê không bất ngờ. Trước đó, hầu hết bạn bè, người thân xung quanh cô cũng dương tính và khỏi bệnh.
Xác định ngày dương tính không thể tránh khỏi, vợ chồng cô đã chuẩn bị sẵn thuốc men, thực phẩm, kit xét nghiệm.
May mắn là suốt quá trình bệnh, cả vợ chồng cô đều có sức khỏe ổn định nhờ trước đó đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Nữ giám đốc chia sẻ đó là những ngày vợ chồng cô sống chậm, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc nhau hơn.
"Lúc chưa mắc bệnh, cứ nghĩ Covid-19 đáng sợ lắm. Nhưng khi thật sự đối mặt với nó, mình cảm thấy cũng không quá nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ của vaccine như hiện nay, chúng ta có thể lạc quan rằng Covid-19 giờ chỉ như bệnh cảm thông thường", Pha Lê chia sẻ.
Huỳnh Nhi (25 tuổi, TP Thủ Đức) cũng hơn 10 lần tự cách ly tại nhà vì vô tình trở thành F1.
"Tôi đang cách ly 2-3 ngày vì giáo viên tại lớp học mắc bệnh. Chuyện cách ly F1 hiện nay không có gì quá lo lắng nữa. Tôi cũng sẵn sàng tâm lý nếu bản thân trở thành F0, bởi xung quanh bạn bè, gia đình cũng đa số từng bị lây nhiễm và khỏi bệnh", Huỳnh Nhi.
Chuẩn bị tâm lý nhẹ nhàng khi dương tính
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng khi người dân càng hiểu rõ hơn về Covid-19, càng biết phương thức phòng ngừa và mức độ nghiêm trọng của bệnh, tâm lý đối diện với dịch càng vững vàng hơn.
"Với Covid-19, thời gian đầu, hầu như chúng ta đều rất quan tâm, nhưng càng ngày gánh nặng bệnh tật xung quanh càng giảm xuống, tâm lý của người dân cũng sẽ dần thay đổi theo hướng tích cực hơn", PGS Nghĩa nói.
PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ. |
Hiện tại, nhiều bằng chứng cho thấy rằng Omicron hầu như là biến chủng chiếm ưu thế tại hầu hết tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đặc biệt, biến chủng "Omicron tàng hình" BA.2 chiếm tỷ lệ cao bởi khả năng lẩn tránh được kháng thể từ vaccine hay miễn dịch của lần mắc trước đó.
PGS Cao Hữu Nghĩa phân tích biến chủng Omicron có thể lây nhiễm nhiều hơn nhưng không gây bệnh nặng. Do đó, với Covid-19, sau một thời gian chúng có thể trở về dạng tương tự bệnh truyền nhiễm khác, với công cụ khống chế và vaccine và thuốc điều trị.
Từ quan điểm này, ông cho rằng việc xem Covid-19 là bệnh lưu hành trong cộng đồng hay không hiện tại không cần quá lệ thuộc vào tuyên bố của ngành y tế, chính tâm lý của người dân nên dần dần thay đổi và thích nghi với Covid-19.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng khi đối diện với bệnh tật, tâm lý thoải mái và hợp tác điều trị, sức khỏe có thể dần dần cải thiện theo hướng tích cực hơn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cũng chia sẻ hiện nay, đa số người dân sinh hoạt và làm việc cùng với Covid-19 như bệnh lưu hành.
Theo ông, hiện số lượng F0 hiện nay chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, người thuộc dạng tiếp xúc gần (F1) cần tự bảo vệ mình bằng khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Đây là 2K quan trọng cần áp dụng trong giai đoạn này.
Bác sĩ Khanh cho rằng hiện tại, muốn kiểm soát F1, F0 hay kiểm soát lây nhiễm là điều rất khó bởi dịch đã lây lan diện rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, các gia đình cần phải bảo vệ người nguy cơ cao như tuổi cao, có bệnh nền tránh bị lây nhiễm.
Ông cũng cho rằng trong thời gian tới, với những trường hợp có tiếp xúc người nhiễm (F1), nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, cũng có thể bỏ qua xét nghiệm và đeo khẩu trang đi làm bình thường.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.