Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Mai’ của Trấn Thành: Mạnh mẽ, độc lập và thấu cảm

Không phải tình cờ, cả 3 bộ phim Trấn Thành đạo diễn đều thể hiện cái nhìn nhất quán về phụ nữ - những cô gái độc lập và chịu nhiều tủi khổ.

Ra mắt vào dịp Tết năm nay, Mai - phim thứ 3 của Trấn Thành - nhận về nhiều bình luận tích cực từ buổi công chiếu đầu tiên. Phim được dự báo có ít hơn hẳn những tranh cãi về chất lượng cũng như nội dung sau khi công chiếu chính thức. Có lẽ số đông khán giả sẽ đồng cảm và thương nhân vật chính - Mai do Phương Anh Đào thể hiện.

Mai và cuộc đời không thấy ngày mai

Ngay từ cảnh đầu phim, Mai bước xuống chiếc taxi trong sự bỡn cợt của người tài xế. Cô kéo chiếc vali, trên tay là hồ cá nhỏ bước qua con đường ẩm ướt của một chung cư cũ, qua hành lang và cầu thang vòng vèo trước khi đến được căn phòng trọ. Qua thái độ của những người hàng xóm, có thể thấy đó là cô gái bị nghi kỵ và coi thường, tựa như điềm xấu, trong khi cái tên của cô lại rất tươi sáng và rực rỡ.

Mai được khắc họa bằng những thứ chúng ta dễ nhìn, dễ đọc thấy trong xã hội đương đại: Một cô gái làm nghề mát-xa và những thị phi xoay quanh. Mai khiến những gã đàn ông dù chỉ mới gặp cảm thấy muốn được động chạm. Ngược lại, cô khiến những người phụ nữ khác cảm thấy bất an và khó chịu.

phim Mai anh 1

Phương Anh Đào trong vai Mai.

Từng lát cắt cuộc đời của Mai dần được bóc tách theo xuyên suốt chiều dài phim - gia cảnh, hoàn cảnh, tính cách, quá khứ, những “vết sẹo” và cả sự khao khát. Một cô gái tưởng bình thường như Mai là tâm điểm khi mọi thứ cô làm đều có thể trở thành spotlight bởi thị phi và sự nghi kỵ. Càng xem càng thấy Mai thật đáng thương, Mai khó mà có được ngày mai.

Có một điều suốt phim Mai không bao giờ đánh mất, ấy là khát khao mạnh mẽ. Dù đôi lúc cô gần như bị đánh gục bởi những kẻ địch quá mạnh, bởi những tình thế cô không bao giờ dám nghĩ đến, bởi quá khứ quá điên rồ và bất hạnh, bởi chính hy vọng về tình yêu mà Mai can đảm lắm mới dám đón nhận. Nhưng sau bao nhiêu vùi dập, Mai vẫn giữ cho mình sự kiên định với những điều đúng đắn. Điều đó khiến khán giả không thể không thương Mai.

phim Mai anh 2

Tuấn Trần trong vai Dương.

Mai - đại diện cho phụ nữ trong phim Trấn Thành

Nếu xét hành trình riêng những nhân vật trong phim điện ảnh, Mai là trường hợp hiếm hoi khi gặp phải nghịch cảnh, éo leo nhưng không sa ngã - công thức mà khá nhiều phim “coming of age” (phim tuổi mới lớn) sử dụng. Tất nhiên, vì bản thân Mai đã không còn là một nhân vật đang trong quá trình trưởng thành. Tuy vậy, cách đạo diễn Trấn Thành giữ cho Mai kiên định, trong sáng và tỉnh táo, luôn hướng đến ngày mai dù đêm nay có đen đặc thật sự đáng khen.

Kết cục của phim thực tế, khiến người ta càng thương Mai hơn, không phải là thương hại mà là thương quý. Cô có thể đại diện cho rất nhiều phụ nữ bình dân trong xã hội Việt Nam. Cô là ví dụ và cũng đáng để trở thành nguồn cảm hứng cho người khác tìm ra cách thích ứng với cuộc sống, nuôi dưỡng tâm hồn mình.

phim Mai anh 3

Mai khởi chiếu từ mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 10/2).

Từ Mai, nhìn lại bà Nữ, Nhi và Như trong Nhà bà Nữ hay những người phụ nữ nhiều độ tuổi trong Bố già, khán giả dễ dàng tìm ra điểm chung. Họ đều là những người phải gánh vác và chịu đựng trách nhiệm gia đình, bản thân. Những điều ấy có thể biến thành khủng hoảng, khổ sở, thậm chí bi kịch nhưng họ không để bản thân rơi xuống đáy của sự cùng quẫn hay bị động.

Tiếng nói của họ luôn được cất lên khi cần thiết, khi bên trong họ hiểu ra mình cần gì và biết phải xoay chuyển tình thế. Tiếng nói ấy có thể sai, có thể sớm hoặc muộn, nhưng sau 3 bộ phim, có thể thấy Trấn Thành luôn muốn cổ vũ cho sự chủ động và độc lập của người phụ nữ, bắt nguồn trước nhất từ suy nghĩ.

Với kịch bản, diễn xuất, dựng phim khá tốt và thái độ đúng mực về xã hội, Mai hứa hẹn được yêu thương hơn. Ít ra trong vài năm nữa, Mai vẫn có thể là nhân vật hay ho và đáng nhớ không chỉ của Phương Anh Đào, của Trấn Thành mà còn của điện ảnh Việt.

Hảo An

Bạn có thể quan tâm