MAMA 2018 chính thức khởi động với danh sách dài các hạng mục bình chọn. Giải thưởng năm nay bao gồm đề cử Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất châu Á dành cho đối tượng ca sĩ hoạt động ở các quốc gia thuộc khu vực châu Á. Một lần nữa, MAMA nhấn mạnh tiêu chí giao thoa và hợp tác phát triển văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực.
Orange - gương mặt mới, gây chú ý dịp đầu năm 2018 với ca khúc Người lạ ơi - đại diện Việt Nam tranh giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất châu Á. Dean Ting (Trung Quốc), Hiragana KEYAKIZAKA46 (Nhật Bản), Marion Jola (Indonesia) và The Toys (Thái Lan) cùng cạnh tranh tại hạng mục này.
Sự xuất hiện của Orange tiếp nối những tranh cãi còn dang dở xoay quanh việc MAMA trao giải cho ca sĩ châu Á nói chung và Vpop nói riêng.
Chiến thắng của Hồ Quỳnh Hương năm 2014 bị đánh giá là không phù hợp. |
Hạng mục phụ không được coi trọng?
Bắt đầu được tổ chức từ năm 1999 nhưng đến 2004, MAMA mới bắt đầu trao giải cho các ca sĩ ở khu vực châu Á thông qua hạng mục Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất.
Mang danh “nghệ sĩ châu Á” nhưng thực chất hạng mục này hàng năm được trao cho ít nhất 5 ca sĩ hoạt động ở 5 quốc gia. Hạng mục này không nằm trong hệ thống bình chọn của ban tổ chức, cũng không được xét vào danh sách giải thưởng chính.
Trong khi các giải thưởng chính trao cho nghệ sĩ Hàn Quốc đều có tiêu chí rõ ràng về lượng bình chọn, điểm chuyên gia hay số liệu… để tìm ra người chiến thắng thì Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất hoàn toàn ngược lại.
Giải này được quyết định bởi ban tổ chức, từ đó nảy sinh những chiến thắng bất hợp lý, chẳng hạn trường hợp Hồ Quỳnh Hương năm 2014. Khi Hồ Quỳnh Hương được xướng tên tại MAMA, nhiều khán giả Việt nhận xét đây chưa phải lựa chọn phù hợp. Năm 2014, nữ ca sĩ không có nhiều hoạt động nổi bật và xét thành tích âm nhạc, cô cũng có phần thua kém các gương mặt mới.
Năm nay, Orange đại diện Vpop tranh tài Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất châu Á. Đến hiện tại, giải thưởng này chưa (hoặc không) xuất hiện trên trang bình chọn ban tổ chức, tiêu chí lựa chọn rất mơ hồ. Trong bối cảnh đó, công chúng mặc định ban tổ chức sẽ tự mình quyết định người thắng cuộc cuối cùng.
Orange được đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất. Cô cũng xác nhận tham gia lễ trao giải diễn ra tại Hàn Quốc vào 10/12. |
Ngoài Hồ Quỳnh Hương, Vpop có 6 đại diện khác chiến thắng giải MAMA, gồm Mỹ Tâm, Thu Minh, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên và Sơn Tùng M-TP. Ngoài Tóc Tiên trực tiếp nhận giải bởi MAMA 2017 tổ chức tại Việt Nam, các ca sĩ Việt khác đều không bước lên sân khấu MAMA.
Thay vào đó, họ xuất hiện chớp nhoáng trên màn hình thông qua video được thực hiện từ trước. Ngay cả Noo Phước Thịnh dù xuất hiện trên thảm đỏ nhưng hoàn toàn biến mất trong lễ trao giải chính.
Thêm một vấn đề cho thấy ban tổ chức dường như không coi trọng hạng mục dành cho nghệ sĩ châu Á, đó chính là sự thiếu nhất quán về tên gọi. Cùng một hạng mục nhưng năm 2014, khi Hồ Quỳnh Hương chiến thắng, giải thưởng cô nhận được là Asian Artist Of The Year in Vietnam (Nghệ sĩ châu Á của năm tại Việt Nam).
Trong khi các năm khác, giải này có tên Best Asian Artist Vietnam (Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất tại Việt Nam).
Hệ thống giải thay đổi theo từng năm
Các giải chính của MAMA gần như cố định trong khi hạng mục của nghệ sĩ quốc tế thay đổi theo từng năm.
Năm 2017, MAMA tổ chức tại 3 địa điểm khác nhau, một trong số đó là TP.HCM. Năm đó, ban tổ chức dành tới 2 giải cho nghệ sĩ Việt Nam, cụ thể Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất và Nghệ sĩ Việt Nam đột phá nhất (Sơn Tùng M-TP).
Đó là năm đầu tiên và duy nhất tính tới hiện tại, ban tổ chức đưa ra giải Nghệ sĩ Việt Nam đột phá nhất.
Nghệ sĩ Việt Nam đột phá nhất mà Sơn Tùng nhận được là giải thưởng duy nhất dành cho ca sĩ Việt mà do fan bình chọn. |
Năm nay, hạng mục đó hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện của Orange ở giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất châu Á. Tuy không phải hạng mục mới nhưng Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất châu Á lại không được duy trì đều đặn trong các năm. Nhiều khán giả thắc mắc về lý do tồn tại của một giải thưởng khi mà nó từng biến mất nhiều năm, đến 2017 mới được trao trở lại.
Nhìn vào danh sách chiến thắng suốt những năm tổ chức, MAMA luôn có những giải thưởng phụ khác nhau trong từng năm dành cho nghệ sĩ châu Á, chẳng hạn Best Asia Star (Ngôi sao châu Á xuất sắc nhất - 2009), Hottest Asian Artist (Nghệ sĩ châu Á hot nhất - năm 2010), Next Generation Asian Artist (Nghệ sĩ châu Á thế hệ mới - 2015),…
Nhiều hạng mục mông lung về tiêu chí, thậm chí khá tương đồng về tên gọi và ý nghĩa nhưng vẫn được đưa vào hệ thống giải dù chỉ nằm ở phần phụ, không hề có mặt trong lễ trao giải chính và hạng mục bình chọn.
Phản ứng chung của dư luận khi nghe những giải thưởng trên đều là khó hiểu về tiêu chí, tính chất. Phải chăng những giải dành cho nghệ sĩ châu Á với MAMA chỉ nhằm mục đích chia giải, hữu nghị chứ chưa thể tôn vinh và phản ánh đúng bộ mặt thực ở mỗi thị trường âm nhạc?.