Không phủ nhận những mặt tiêu cực nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên xem Facebook như một thứ vi trùng gớm ghiếc. Tiêm nhiễm cái xấu, xét cho cùng lỗi ở chính bản thân mình. Riêng với tôi, Facebook thật tuyệt vời.
Không gì tuyệt vời hơn mỗi sáng nhận được những hình ảnh, dòng tin từ ba mẹ, người thân, bạn bè… làm niềm vui cho một ngày mới. Chính vai trò kết nối tạo nên sự gần gủi, sẽ chia, sự hưng phấn, chan hòa, kết thu kiến thức, tinh hoa từ cuộc sống.
Đến với Facebook bằng một tâm thế chân thật, nghiêm túc, nên với tôi Facebook là thật, là cuộc sống, là công cụ hữu hiệu cho nhiều mặt, nhiều vấn đề trong hành trình học tập, làm người.
Cái ảo nếu có là do chính ta tạo dựng chớ không phải tự dưng mà có. Cũng như cái ảo cũng không phải là cái gì đó gớm ghê, đáng sợ nếu ta làm chủ được nó. Đôi lúc tôi cũng “ảo”, ảo để thư giãn, để “nâng cao chất lượng sống”… Tất nhiên phải rạch ròi giữa ảo và thật.
Tôi đồng ý với thầy Thích Tâm Nguyên khi đặt ra các câu hỏi: Dùng với mục đích gì? Để làm gì? Hướng tới đâu? Cũng như “mình làm chủ mạng chứ không phải mạng làm chủ mình”. Nhưng cách ví von “lên Face mới biết Face bao não phiền” thì nghe hơi buồn chán và hơi… oan cho Facebook.
Facebook, một công cụ kết nối toàn cầu mà trong tương lai sẽ ngày càng phát triển. Đồng nghĩa giới trẻ toàn cầu cũng như người trẻ Việt sẽ tiếp tục “kết nối” ngày càng “sâu đậm” hơn với trang mạng xã hội này là điều hiễn nhiên, chắc chắn. vậy thì có lẽ cái cần là vạch ra con đường, trang bị kỹ năng cho các bạn trẻ lứa tuổi “tò mò với Face” hiểu đúng hơn về face, không nhìn face bằng sự tò mò, bằng ý nghĩ tiêu cực, lệch lạc… với người lớn, là tránh sự đố kỵ, che dấu, lo lắng, hững hờ.
Tôi cảm giác chúng ta đang mất phương hướng, loay hoay nhận định về một vấn đề mà lẽ ra không cần phải “nghiêm trọng hóa” như thế. Hãy để nó trở lại với nguyên trạng, tính cách, bản chất của nó - vốn là một công cụ phục vụ đời sống con người không hơn không kém.
Vâng, hãy để Facebook phục vụ chúng ta, phục vụ con người, cuộc sống này.