Ngày 17/5, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết ê-kíp các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Nội soi Bệnh viện Trung ương Huế đã lấy thành công dị vật nghi mảnh vỏ ốc "bỏ quên" trong phế quản bệnh nhân đã đã 10 năm.
Nam bệnh nhân T.H (52 tuổi, trú huyện Phú Lộc) nhập viện từ ngày 1/5, với chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi phải. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và điều trị với các thuốc kháng sinh.
Mảnh dị vật trong phế quản của nam bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trong quá trình điều trị (từ ngày 1-14/5) bệnh nhân được điều trị tích cực với các thuốc kháng sinh phối hợp, nhưng tình trạng lâm sàng bệnh nhân tiến triển chậm, vẫn còn ho, khạc đàm trắng và đau đáy ngực phải.
Ngày 15/5, bệnh nhân được nội soi phế quản ống mềm thì phát hiện ở nhánh phế quản trung gian bên phải có dị vật màu đen, vị trí tiếp xúc của mảnh xương với phế quản tăng sinh mô hạt, đọng ít đàm vàng nhạt.
Nhận thấy đây là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phổi tái diễn của bệnh nhân, bệnh nhân được ê-kíp y bác sĩ thực hiện nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật là dị vật nghi màu đen, khả năng mảnh xương vỡ ra từ vỏ ốc hình chữ T, dài khoảng 20 mm, ở nhánh phế quản trung gian phải.
Sau khi lấy dị vật, bệnh nhân giảm ho, huyết động ổn định.
Qua thăm khám, bệnh nhân khai có sặc dị vật đường thở cách đây 10 năm nhưng cứ ngỡ đã ho khạc ra nên không để ý. Sau đó ông này bị sốt, ho, khó thở tái diễn nhiều lần điều trị tại bệnh viện tuyến huyện nhiều lần với chẩn đoán viêm phổi.
Theo BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.
Các triệu chứng lâm sàng như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở… thường không đặc hiệu và có thể nhầm là triệu chứng lâm sàng của các bệnh phổi.