Nguyên nhân là trong quá trình đi Huế - Đà Nẵng vào cuối tháng 3 vừa qua, cả nhóm xảy ra không ít cãi vã, từ những việc nhỏ nhặt như đi đâu, ăn gì cho đến vấn đề lớn hơn như tiền bạc.
Du lịch cùng nhau là cách để nhiều nhóm củng cố tình bạn và có thêm kỷ niệm. Về mặt ưu điểm, đi đông giúp chi phí chia đầu người rẻ hơn, ăn uống được nhiều món, tính an toàn cao hơn. Các thành viên hỗ trợ nhau những việc như chia hành lý, nấu nướng, hay giải quyết các trục trặc dễ có như ốm đau, hỏng xe, lạc đường.
Mặt khác, nhiều rắc rối cũng dễ nảy sinh giữa những người bạn thân, xuất phát từ chuyện tác phong đi chơi không hợp, các bên khó thống nhất hay thói quen sinh hoạt khác nhau.
Các trái ngược này hoàn toàn có khả năng khiến những người bạn chơi lâu năm mâu thuẫn, thậm chí "cạch mặt" nhau sau khi đi chơi về.
Các nhóm bạn có thể hàng ngày chơi thân, nói chuyện hợp nhưng khi đi chơi xa nhiều ngày cùng nhau, sự trái ngược trong tính cách lộ diện rõ. Ảnh minh họa: Freepik. |
Rạn nứt liên tục trong chuyến đi
Theo Ngọc, vốn dĩ du lịch nhóm đã dựa trên việc mọi người đều quen thân, thường xuyên nói chuyện, tụ tập với nhau. Tuy nhiên, nếu bình thường, mọi thứ chỉ dừng lại ở chỗ cùng đi shopping, xem phim, ngồi quán cà phê rồi ai về nhà nấy, đi chơi xa lại đòi hỏi mọi người chia sẻ không gian, thời gian chung nhiều hơn.
Các điểm "lệch pha" trong thói quen sinh hoạt mau chóng lộ rõ khi ở chung. Ngọc có thể kể tên một loạt những thứ không vừa lòng mình từng trải qua như bạn cùng phòng bừa bãi đồ dùng, chiếm phòng tắm hay chuẩn bị quần áo, trang điểm quá lâu, người ngáy, người lại thích bật đèn khiến các thành viên khác chói mắt, khó ngủ...
Song, các tranh cãi không dừng lại ở đó. Đến khi đi tham quan, ăn uống, tình trạng mỗi người một ý vẫn có khả năng xảy ra, dù cả nhóm lên kế hoạch sẵn từ trước.
Ví dụ, người thiên về ngắm cảnh là chính sẽ khó chịu khi phải chờ đợi những ai thích "sống ảo" và check-in, đòi chụp lại nhiều lần đến khi có ảnh ưng ý. Hoặc người sẵn sàng tiêu xài mạnh tay, muốn đến các chỗ đắt tiền hơn lại bị phản đối bởi người chọn chi tiêu theo hướng tiết kiệm.
Lan Ngọc quan niệm việc hợp phong cách du lịch, mức chi tiêu là hai yếu tố quan trọng hàng đầu. |
Trải qua 5 lần du lịch cả trong nước và nước ngoài với nhiều nhóm bạn bè, Lan Ngọc rút ra kinh nghiệm là dù đi nhóm nhỏ (2-3 người) hay nhóm lớn (6-7 người), các mâu thuẫn vẫn chắc chắn nảy sinh, nếu các thành viên không "hợp cạ" cả về tính cách lẫn "túi tiền", hoặc không biết nhường nhịn lẫn nhau.
"Từ giờ, mình nghĩ chỉ nên đi hai người, người còn lại phải thật sự hợp tính, không quá khắt khe", cô nói.
Tương tự, bực tức cũng là cảm giác của Hà Trang (26 tuổi, nhân viên tài chính, Hà Nội) sau khi du lịch với hội đại học vào năm ngoái. Về nhà sau 5 ngày 4 đêm ở Đà Nẵng, Trang tự nhủ đây cũng là lần đầu và lần cuối cô đi chơi xa với một người bạn trong nhóm.
Là người xông xáo, Trang đứng ra đặt vé máy bay, khách sạn đến lên danh sách chi tiết, "cân đo đong đếm" hợp với khả năng chi trả của mỗi người. Toàn bộ quá trình này, Trang đều thoải mái đảm nhận, không phàn nàn câu nào.
Cảm giác khó chịu chỉ dần phình to khi lên đường, trong 3 người, một người theo phong cách "ăn sẵn", không chủ động mà luôn đợi người khác giải quyết hộ, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như đặt xe, mua nước uống, song lại lề mề, để các bạn khác chờ lâu mỗi khi đi mua sắm.
Chưa hết, người bạn này còn tỏ thái độ không hợp tác, chê quán ăn Trang chọn không ngon hay điểm đến này không có gì đặc sắc, đòi đổi tham quan chỗ khác.
"Chuyến đi trở nên kém vui khi một người luôn đòi làm theo ý mình, còn 2 người còn lại ngày nào cũng phải nghe than phiền. Điều gây bực nhất là mình làm hết, bạn ấy không góp ý câu nào và chỉ việc đi theo nhưng khi không vừa ý điều gì lại quay ngược lại trách móc.
Dù mình ít nhiều nhẫn nhịn, vẫn không tránh khỏi những lúc 'tức nước vỡ bờ' mà to tiếng với nhau. Về nhà, cả nhóm khó thân thiết như cũ", Trang nói.
Theo Sơn Tạ (áo đen), du lịch với bạn bè cần một trưởng đoàn đứng ra lo liệu và những người còn lại cần tôn trọng ý kiến của cả nhóm. |
Không thể không nhường nhịn lẫn nhau
Mỗi lần du lịch với các hội bạn khác nhau, Sơn Tạ (27 tuổi, Hà Nội) thường nhận nhiệm vụ chọn địa điểm, lên kế hoạch từng ngày, gồm chi phí dự trù rồi gửi lại các thành viên khác.
Với anh, đây là phần yêu thích khi được tùy ý chọn lựa. "Các bạn khác cũng tham gia như phụ giúp tìm chỗ chơi, tra bản đồ xem hướng đi lại, nhưng quyết định phần lớn vẫn là ở mình. Sau khi gửi lại cho mọi người, ai cũng có thể đóng góp ý kiến, còn nếu đã chốt thì cứ thế mà làm theo", anh cho hay.
Khoản thu chi, Sơn để một bạn khác thành thạo việc tính toán đảm nhiệm, vừa tránh ôm đồm nhiều việc. Những người còn lại chia nhau các đầu việc khác như mua sắm đồ mang theo, liên hệ đặt xe.
Theo Sơn, khi du lịch theo nhóm, việc để một người đứng ra lo liệu chính từ lúc lập kế hoạch đến lúc kết thúc hành trình là điều cần thiết, bởi khi có nhiều tiếng nói cùng tham gia vào, vấn đề càng dễ rối tung và chuyến đi không thành ngay từ bước bàn bạc.
Người này cũng cần có tinh thần trách nhiệm, khi đã nhận nhiệm vụ thì cố gắng hoàn thành tốt, tránh chuyện không thích nhưng nhận lời xong làm qua loa.
Nhóm bạn của Mỹ Linh (ngoài cùng bên trái) từng đi Bình Thuận, Đà Nẵng, TP.HCM... cùng nhau. |
"Đi chơi xa, nhiều tình huống chủ quan và khách quan dễ phát sinh, lúc đó sẽ cần một người đứng ra tổng hợp ý kiến và đứng ra phân xử, hòa giải", anh bày tỏ.
Thông thường, Sơn sẽ là người đánh thức cả nhóm dậy, thông báo lịch trình trong ngày cho tất cả nắm rõ. "Quy tắc là bám sát theo lịch sẵn có, không tự ý thay đổi hoặc có vấn đề gì thì phải nói với cả nhóm. Trong lúc đi, mình cũng phải chú ý tới thời gian, nhắc nhở việc di chuyển, vui chơi cho mọi người chú ý".
8 năm sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhóm bạn gần 10 người của Mỹ Linh (26 tuổi, kế toán) vẫn đều đặn tổ chức chuyến đi chơi chung mỗi năm một lần. Cả nhóm đều thích du lịch theo hướng nghỉ dưỡng, lịch trình thoải mái, ở nơi tiện nghi sạch sẽ, đến những nơi tụ tập của giới trẻ.
Kế hoạch thường được lên trước 2 tháng, cả hội cùng ngồi lại đưa ý kiến về thời gian, địa điểm và mỗi thành viên chủ động sắp xếp lịch làm việc.
"Tất nhiên, ở độ tuổi này, ai cũng đều bận rộn với công việc riêng nhưng mỗi người xác định sẵn sàng hy sinh một chút vì tập thể. Nhóm mình có điểm chung là tìm giải pháp thay vì than bận, khó xin nghỉ hay các lý do khác.
Thông thường, mình gần như không phải làm gì cả, chỉ cần xách vali lên và đi vì đã có 2 bạn đứng ra lo liệu các khâu. Ngoài hợp gu ăn chơi nên tin tưởng lẫn nhau, chuyện bớt khó tính khi đi theo nhóm đông là điều rất quan trọng, bởi cần hạn chế cái tôi và nghĩ đến lợi ích chung của cả hội. Đó là lý do bọn mình vẫn đi được với nhau suốt gần 10 năm qua", cô đúc kết.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.