"Tôi có khá nhiều bạn chung với người yêu cũ. Sau chia tay, họ hầu như không liên lạc với tôi nữa. Tôi rất nhớ họ, thậm chí cảm thấy sốc. Tôi thực sự muốn biết điều gì đã xảy ra với tình bạn của mình. Có cách nào để cứu vãn?".
Đó là câu hỏi giả định mà hai nhà tâm lý học Gaelle Aeby (Đại học Manchester) và Jenny van Hooff (Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh) đăng tải lên mạng xã hội nhằm thăm dò phản ứng của người dùng.
Có tổng cộng 350 bình luận do 242 người gửi về. Nhóm nhà nghiên cứu ước tính số lượng phụ nữ tham gia trả lời nhiều gấp đôi nam giới.
Hầu hết thừa nhận rằng khi bước vào một mối quan hệ tình cảm, họ dường như quên đi những người bạn xung quanh. Một số khác đổ lỗi người yêu cũ không ưa bạn của mình hoặc chỉ muốn cả hai bên nhau và ít khi giao thiệp xã hội.
Báo cáo được đăng tải trên diễn đàn Psychology Today, lý giải về mối quan hệ của một người với bạn bè của họ sau cuộc đổ vỡ tình yêu.
Bạn bè của ai?
Sau khi chia tay, những người tham gia trả lời nghiên cứu phân loại bạn bè của mình thành 3 nhóm:
Bạn của người yêu cũ: Mọi người có thể cảm thấy buồn khi mất đi những người bạn này. Tuy nhiên, tình huống này không gây ngạc nhiên. Nhiều người sẽ nhanh chóng hồi phục tinh thần sau đó.
Bạn chung của cả hai: Mất đi những mối quan hệ từng thân thiết với cả hai, điều này khiến không ít người đau lòng và khó chấp nhận. Thông thường, họ mong muốn nối lại tình cảm với những người bạn này.
Bạn bè của chính mình: Đây là kiểu bạn bè khiến một người cảm thấy tổn thương nhất. Một số có thể coi đó là điểm tựa của mình hậu chia tay. Nhưng thực tế, không có ai ở bên, họ cảm thấy sốc và nghĩ mình bị phản bội.
Hậu chia tay, nhiều người cảm thấy lạc lõng khi không còn duy trì mối quan hệ tốt với bạn bè. Ảnh minh họa: Darina Belonogova/Pexels. |
Ai sẽ là chỗ dựa hậu chia tay?
Thông qua những bình luận được gửi về, nhóm nhà nghiên cứu cho biết không phải ai cũng đánh mất toàn bộ bạn bè sau cuộc tình.
Một số người bạn vẫn ở lại, trở thành chỗ dựa tinh thần cho người mới chia tay. Họ được mô tả như "những người bạn kim cương", bao gồm:
- Những người bạn chung của cả hai, nhưng đứng về phía một người.
- Những người bạn lâu năm, thậm chí ít liên lạc, nhưng luôn sát cánh và tử tế với bạn bè.
- Những người bạn mới, nhưng cũng từng trải qua tình huống mất bạn hậu chia tay.
Bài học về tình bạn
Trong nghiên cứu của mình, Gaelle Aeby và Jenny van Hooff cho rằng: "Trước đây, khi yêu đương, một số người ngó lơ bạn bè mình - những người đang độc thân. Giờ đây, khi chia tay, họ chính là người phải trải qua cảm giác cô độc. Họ sẽ bị bỏ qua hoặc cô lập bởi chính những người bạn đang ưu tiên mối quan hệ yêu đương của mình".
Một số người mới chia tay kể về tình huống khó xử với bạn bè mà mình từng gặp phải:
- Một số người bạn không mời họ tham gia các sự kiện với những đôi yêu đương khác, cho dù đã quen biết nhau từ trước.
- Nhiều cặp yêu đương cảm thấy khó xử khi có mặt họ.
- Những cặp đang hạnh phúc sẽ hạn chế rủ họ đi chơi cùng vì lo sợ bị ảnh hưởng tâm lý.
- Những người yêu xa sẽ tránh gặp họ vì nghĩ sẽ bị ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ.
Những tình huống kể trên quả thực không hề dễ chịu với bất cứ ai. Theo các bình luận gửi về, một số người mới chia tay cho biết mình đã thực sự sai lầm trong quá khứ, khẳng định sẽ không lặp lại việc bỏ rơi bạn bè trong tương lai, kể cả khi bước vào một mối quan hệ yêu đương mới.
Tuy nhiên, lời hứa này có thành hiện thực hay không vẫn cần thời gian trả lời.