Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những câu hỏi cho một mối quan hệ nghiêm túc

Trước khi cam kết cho một mối quan hệ lâu dài, bạn cần tự hỏi mình mong chờ những gì cho tương lai.

moi quan he nghiem tuc anh 1

"Khi bị thu hút bởi một ai đó, não bộ của con người sẽ bị đánh lạc hướng, không còn giữ vững khả năng tư duy logic", Deborah Carr, giáo sư Xã hội học, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Đại học Boston (Mỹ), nói trên CNN.

Trong giai đoạn mới hẹn hò, con người thường quyết định theo cảm tính và không lường trước được vấn đề về sau. Nhưng sẽ ra sao nếu nửa kia muốn nghỉ việc suốt một năm để trải nghiệm cuộc sống, trong khi bạn đã lên kế hoạch làm việc và ở gần gia đình?

Đó là một trong rất nhiều tình huống có thể xảy ra, buộc chúng ta phải cân nhắc kỹ càng trước khi bước vào một mối quan hệ nghiêm túc như kết hôn, đính hôn hoặc cam kết gắn bó lâu dài.

Dưới đây là những câu hỏi bạn cần lưu ý để không đặt mình và người yêu vào thế khó.

Có mong gắn bó?

Theo giáo sư Carr, khi bạn đang cân nhắc về một mối quan hệ nghiêm túc, hãy tự hỏi mình có muốn duy trì tình cảm lâu dài hay không? Tại sao muốn ở bên người ấy? Và phẩm chất nào ở nửa kia khiến bạn thật sự hạnh phúc?

"Nếu bạn chỉ muốn đồng hành cùng họ vì cô đơn, đó không phải là lý do yêu đương chính đáng. Các mối quan hệ thực thụ luôn bắt đầu bằng 'chúng ta' chứ không phải 'tôi'", ông lý giải.

Đồng quan điểm, nhà tâm lý học John Duffy (Mỹ) cho rằng hai người phải có sự tương thích về mặt cảm xúc trước khi xác định kết hôn và thiết lập gia đình. Đó là khi bạn có thể chia sẻ mọi điều với nửa kia, không phải đề phòng hoặc tạo ra vỏ bọc.

"Tôi từng gặp gỡ nhiều đôi trẻ mới hẹn hò. Phần lớn trong số họ chưa thể khẳng định mức độ tình cảm hoặc sự thoải mái với người yêu. Họ phân vân liệu có đang yêu hay chỉ bị say mê và thu hút nhất thời", ông nói.

moi quan he nghiem tuc anh 2

Nhiều đôi trẻ không thể phân biệt được tình yêu và sự say mê nhất thời. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.

Trong khi đó, nhà tâm lý học xã hội Jeremy Nicholson, cộng tác viên của Psychology Today, cho rằng thật dễ dàng để nói lời cam kết. Tuy nhiên, bạn cần xác định mức độ mong muốn gắn bó của mình và nửa kia.

Một số người kỳ vọng đồng hành lâu dài, cùng kết hôn và nuôi dạy con cái. Số khác lại thích mối quan hệ mở, cho phép nhau tìm hiểu người thứ 3...

Nếu có chung mục đích gắn bó, hai người mới nên bước vào giai đoạn nghiêm túc hơn trong mối quan hệ.

Liệu có phù hợp?

Sau khi xác định đích đến của mối quan hệ, bạn cần phải làm rõ mức độ phù hợp của cả hai trong các vấn đề chung như quan điểm sống, tính cách và tình hình tài chính.

Nhà tâm lý học John Duffy cho rằng bạn nên chú ý những biểu hiện nhỏ nhất của đối phương để tìm hiểu lối sống của họ. Ví dụ, người đó có hào phóng về mặt tài chính hay không? Cách họ đối xử với các thành viên trong gia đình hoặc cộng đồng LGBT? Họ có bộc lộ hành vi bạo lực, thiếu tôn trọng hoặc đổ lỗi trong những lần cãi vã?

"Chúng ta đều có thể phán đoán tính cách của một người thông qua những hành vi nhỏ", ông nhận định.

Chung sống ra sao?

Việc chung sống trước kết hôn có thể giúp bạn kiểm tra sự phù hợp giữa mình và người ấy.

Thông qua cuộc sống hai người, bạn sẽ biết được nửa kia có tài khoản tiết kiệm hay không? Họ có lối sống buông thả hay luôn lập kế hoạch?

Ngoài ra, bạn cũng có thể nắm bắt thói quen sinh hoạt, định hướng nơi ở hoặc nguyện vọng cho ngôi nhà tương lai.

Đặc biệt, việc "sống thử" còn cho thấy cách 2 bạn phân chia và đỡ đần nhau trong công việc nhà. Đây là một trong những vấn đề dễ gây tranh cãi, mâu thuẫn giữa các cặp yêu đương.

moi quan he nghiem tuc anh 3

Quá trình chung sống giúp cả hai đo lường mức độ phù hợp với nhau. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels.

Còn điều gì trước lời 'Đồng ý'?

Việc sống thử có thể giúp bạn hình dung được cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, ở chiều hướng thứ hai, nó khiến bạn bồi đắp thêm kỳ vọng thiếu thực tế.

Ví dụ, qua quá trình chung sống, bạn cảm thấy phù hợp với lối sống và thói quen của nửa kia. Chính vì sự hòa hợp này, bạn bỏ qua những món nợ và mâu thuẫn riêng trong gia đình người ấy.

Hãy ghi nhớ rằng sau khi kết hôn, khoản nợ, rắc rối gia đình và rất nhiều điều khác sẽ biến thành vấn đề chung của cả hai. Liệu bạn có sẵn sàng cùng người yêu mình xử lý hết những khủng hoảng này?

Ngoài ra, theo giáo sư Carr, "rất khó để thay đổi một con người". Tính cách phiền phức của người yêu bạn năm 25 tuổi sẽ càng trở nên tệ hại khi hai bạn già đi.

"Lúc này, hãy nghĩ thật kỹ và tự hỏi bản thân rằng có chấp nhận hết những điểm tốt, xấu của nửa kia đến khi cuối đời?", ông nói.

Khó và dễ khi dùng chung tài khoản ngân hàng với người yêu

Khi yêu đương nghiêm túc, bạn có xu hướng muốn chia sẻ nhiều thứ với nửa kia của mình. Hai bạn có thể ở chung, cùng nuôi thú cưng hoặc hợp nhất các nguồn tài chính.

Quỳnh Ngân

Bạn có thể quan tâm