Năm 2014, mặc dù đã sẵn sàng để đón nghệ sĩ saxophone có lượng đĩa tiêu thụ lớn nhất thế giới, nhưng Kenny G vẫn lỡ hẹn với nhà sản xuất và khán giả Việt Nam vì ông không thể sắp xếp được lịch.
Ông Phan Lê Khôi, người trực tiếp đàm phán với đơn vị quản lý của Kenny G chia sẻ, có lúc ê-kíp sản xuất rất nản nhưng với tiêu chí “dù chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhất cũng “chiến đấu” để có được cái gật đầu của nghệ sĩ”, sau hơn 2 năm, ê-kíp tổ chức đã có được sự nhận lời của Kenny G.
Để Kenny G nhận lời sang Việt Nam biểu diễn, nhà sản xuất đã mất 2 năm rưỡi đàm phán khó khăn. |
Tại sao việc mời được Kenny G sang Việt Nam khó khăn vậy? Lý do cơ bản là Việt Nam chưa hề có trong bản đồ lưu diễn của các nghệ sĩ quốc tế. “Chỉ nói riêng khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan hay Malaysia đều đã “quen mặt” với nghệ sĩ quốc tế và có hạ tầng tốt. Đa số nghệ sĩ đều không biết đến thị trường Việt Nam khi được đặt vấn đề biểu diễn,” ông Khôi cho biết.
Để nghệ sĩ có đẳng cấp đồng ý sang biểu diễn, nhà tổ chức phía Việt Nam phải giải quyết một danh sách rất dài những yêu cầu chuyên nghiệp và chặt chẽ về mọi mặt. Bản hợp đồng mà người quản lý của Kenny G đưa ra dài 62 trang với vô vàn những điều khoản được liệt kê chi tiết, đảm bảo mọi vấn đề từ kỹ thuật tới tài chính, từ hậu cần tới y tế, bảo hiểm… Ông Thuỳ Dương, người từng có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện ca nhạc lớn ở Việt Nam nhớ lại: "Chúng tôi luôn phải trong tình trạng tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị vì chỉ một chi tiết nhỏ không thể đáp ứng là buổi diễn sẽ bị huỷ ngay!”
Đơn cử như một câu chuyện là địa điểm tổ chức. Kenny G và người quản lý của ông yêu cầu một khán phòng phải có sức chứa 3.000 người trở lên. Ở Hà Nội, không địa điểm nào phù hợp với yêu cầu đó hơn Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Nhưng đây cũng là địa điểm tổ chức rất nhiều sự kiện lớn. Vì thế nhà tổ chức lại phải khớp lịch lưu diễn dày đặc của nghệ sĩ với lịch sử dụng của địa điểm tổ chức. Riêng việc này đã mất 2 tháng mới hoàn thành.
Kenny G sẽ biểu diễn cùng ban nhạc đã gắn bó với ông 30 năm qua. |
Việc biểu diễn cùng ban nhạc đã gắn bó cùng ông gần 30 năm cũng là điều kiện mà phía Kenny G đưa ra. Đây sẽ điểm lợi cho khán giả khi được thưởng thức âm nhạc với ban nhạc trên sân khấu. Nhưng với nhà tổ chức lại là một vấn đề rất thách thức.
Những đòi hỏi kỹ thuật của nghệ sĩ để ban nhạc biểu diễn cực kỳ cao. Không chỉ chuẩn bị các thiết bị ở Việt Nam, nhà sản xuất phải đưa thiết bị chuyên dụng cao cấp từ Singapore sang.
Con người cũng là yếu tố được yêu cầu cao. Phía Kenny G đòi hỏi nhà tổ chức Việt Nam phải có một ê-kíp trình độ tốt về âm nhạc, kỹ thuật âm thanh và ánh sáng và phải nói tốt tiếng Anh để làm việc với ê-kíp nước ngoài. Vậy là các nhà tổ chức phải tìm đến giới trong nghề ở Việt Nam để xây dựng một “đội hình chuyên môn” sẵn sàng tiếp đón phía bạn.
Để việc nghệ sĩ quốc tế biểu diễn ở Việt Nam trở nên quen thuộc hơn, chắc chắn nhà sản xuất trong nước phải vươn tới tầm chuyên nghiệp để đáp ứng những yêu cầu của các nghệ sĩ đã rất chuyên nghiệp. Những nỗ lực của các nhà tổ chức trong mấy năm qua ít nhiều khiến người yêu nhạc thêm hy vọng Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi cái danh "vùng trũng" của thị trường biểu diễn quốc tế.