Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất hơn 2 tỷ đồng sau cuộc điện thoại của người xưng là công an

Do suy nghĩ nếu nộp tiền vào tài khoản và chứng minh vô tội thì sẽ rút lại được số tiền này nên ông T. đã vay mượn nhiều nơi để có đủ số tiền 2,2 tỷ đồng.

Chiều 13/5, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của ông N.C.T. (cán bộ hưu trí, trú TP Huế) về việc bị kẻ giả danh cán bộ điều tra gọi điện lừa đảo 2,2 tỷ đồng.

Trong 1 tháng qua, có 3 nạn nhân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị những kẻ giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Trong đó có trường hợp của bà N.T.D. (trú ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị lừa đảo hơn 500 triệu đồng.

Trong khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực truy tìm nhóm đối tượng giả danh cán bộ Công an gọi điện lừa đảo nói trên thì tiếp tục nhận đơn trình báo của ông N.C.T. về việc bị lừa đảo bằng hình thức tương tự.

Theo tường trình của ông T., khi ông đang ở nhà thì có một người gọi điện đến số điện thoại của ông và xưng là cán bộ công an đang điều tra vụ rửa tiền, chuyển tiền ra nước ngoài. Qua điện thoại, người này cho biết ông T. là một trong những người được xác định nằm trong đường dây này.

Người này hỏi ông T. có phải họ tên đầy đủ là N.C.T. không?. Tiếp đó người này đọc đúng số nhà, địa chỉ ông T… Ông T. nghe vậy rất bất ngờ, hoang mang. Tiếp đó người này nói, ông T. có tài khoản nghi vấn liên quan đến vụ án và có thể bị bắt tạm giam. Sau đó, một người khác tự xưng là Viện phó VKSND gọi điện cho ông T. nói rằng nếu ông T. muốn tại ngoại để chứng minh vô tội thì phải nộp tiền bảo lãnh bằng cách chuyển tiền vào Ngân hàng Nhà nước.

Nếu sau vài ngày điều tra mà ông T. không có tội thì tiền sẽ được chuyển trả lại tài khoản của ông. Sau đó, những người giả danh cán bộ Công an này “ra lệnh” cho ông T. trong 2 ngày phải có đủ số tiền 2,2 tỷ đồng nộp vào tài khoản.

Từ khi nhận được điện thoại, ông T. và người thân rất hoang mang. Do suy nghĩ nếu nộp tiền vào tài khoản và chứng minh vô tội thì sẽ rút lại được số tiền này nên ông T. đã vay mượn nhiều nơi để có đủ số tiền 2,2 tỷ đồng. Tiếp đó, ông T. đến một ngân hàng ở TP Huế mở tài khoản Internet banking, địa chỉ và tên ông T. đứng mở nhưng thông tin số điện thoại, địa chỉ email trong tài khoản là do các đối tượng cung cấp yêu cầu ông T. điền vào.

Sau khi nộp 2,2 tỷ đồng vào tài khoản, ông T. chụp chứng từ liên quan kèm với thông tin tài khoản ngân hàng gửi cho người xưng là Viện phó VKSND xem. Do nghi ngờ mắc bẫy lừa nên ngày 10/5, ông T. đến ngân hàng kiểm tra số tiền trong tài khoản thì tá hỏa khi phát hiện số tiền 2,2 tỷ đồng vừa gửi 2 hôm trước giờ chỉ còn 200.000 đồng nên lập tức trình báo đến cơ quan Công an.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết với thủ đoạn trên, có rất nhiều người dân ở địa bàn tỉnh và các tỉnh thành lân cận đã mắc bẫy lừa của các đối tượng giả danh cán bộ Công an. Trong đó, có 2 người dân ở phường Vỹ Dạ, TP Huế cũng bị nhóm đối tượng lừa đảo số tiền hơn 200 triệu đồng bằng hình thức tương tự. Sau khi thu thập lời khai của các bị hại, cho thấy thủ đoạn của nhóm đối tượng gọi điện mạo danh, tự xưng cán bộ ngành Công an là rất tinh vi.

Vì thế, trong khi cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ vụ án thì người dân cần phải hết sức thận trọng, nâng cao cảnh giác. Đặc biệt, khi có người gọi điện giả danh cán bộ công tác ở các cơ quan thực thi pháp luật, người dân cần hết sức bình tĩnh, không hoang mang, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, không chuyển chuyển tiền qua tài khoản được cung cấp; đồng thời cần báo nhanh vụ việc đến cơ quan công an gần nhất để có phương án xử lý phù hợp.

http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Nguoi-dan-ong-bi-lua-hon-2-ty-dong-sau-cuoc-dien-thoai-goi-den-594852/

Theo Anh Khoa/Công An TP.HCM

Bạn có thể quan tâm