Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mất ngủ dù làm nghề tạo âm thanh ru ngủ

Ghé sát vào micro, cắn mạnh miếng gà rán, Nga Chan tạo ra tiếng nhai giòn rụm. Cô đang tạo ra âm thanh giúp người xem thư giãn khi ăn, hay còn gọi là Mukbang ASMR.

Video âm thanh ASMR mang lại cảm giác thư giãn cho người xem, ngày càng trở nên phổ biến trên mạng xã hội.

Ba năm trước, trong giai đoạn gặp căng thẳng quá mức vì công việc, Nga Chan (25 tuổi, quận 7, TP.HCM) vô tình xem được những video trên mạng xã hội về nội dung ASMR.

Ban đầu, cô khó hiểu khi thấy người sáng tạo dùng các dụng cụ lần lượt cọ vào micro, nói thì thầm hoặc ngồi ăn uống, không tương tác với khán giả. Sau vài lần, cô lại "nghiện" nghe những âm thanh như vậy và thói quen này giúp cô thư giãn, cải thiện tinh thần.

"Những âm thanh thì thầm, róc rách hoặc nhai thức ăn giòn tan khiến tôi có cảm giác buồn ngủ, dễ chịu như đang được massage. Tôi quyết định tìm hiểu và thử làm nghề với mong muốn giúp được nhiều người gặp tình trạng tâm lý như mình", cô chia sẻ cùng Zing, cho biết thêm mình đã đầu tư khoảng 5 triệu đồng để mua thiết bị thu thanh chuyên dụng.

Bạn diễn là đồ ăn, đạo cụ

Sau ba năm làm nghề, Nga Chan cho biết bộ môn ASMR không đơn giản như nhiều người nhầm tưởng. Với hình thức Mukbang ASMR, người ăn phải biết cách thưởng thức từng bước bài bản để tạo ra nhiều âm thanh khác nhau thay vì vừa nhai vừa nói chuyện ồn ào.

"Ví dụ, khi ăn bánh, tôi dành 1-2 phút dùng móng tay gõ nhẹ vào vỏ bánh, tạo tiếng sột soạt. Sau đó đến bước tạo tiếng vò (Crinkle sounds), tôi sử dụng các tờ giấy bọc để tạo ra âm thanh này, nó khiến người nghe cảm thấy sảng khoái và giảm stress. Khi nhai, tôi cũng phải thực hiện nhỏ nhẹ, không chép miệng gây khó chịu mà phải theo tiết tấu chậm rãi. Cả cách rót nước vào ly đá cũng phải ghé sát micro để tạo tiếng nước chảy êm ả, tác động trực tiếp vào thính giác", cô giải thích.

Khoảng 21h mỗi ngày, khi mọi người nghỉ ngơi, không gian tĩnh lặng, Nga Chan mới bắt đầu công việc của mình. Thông thường, cô sẽ nhịn ăn trước đó để khi ghi hình có thể thưởng thức được nhiều món hơn, giúp khán giả tận hưởng trọn vẹn buổi livestream trong suốt vài tiếng.

Một chiếc bàn đủ chứa trên 10 món, máy thu âm, điện thoại ghi hình và đèn là dụng cụ "hành nghề" của cô.

Nga Chan vừa cố gắng nhai tốc độ chậm để tạo âm thanh thư giãn khi ăn. Ảnh: NVCC.

Còn Hải Đăng (19 tuổi, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) lại có 3 năm kinh nghiệm trong ngành sáng tạo nội dung ASMR thiên về trị liệu.

"Tiếng nhai, nuốt khi mukbang giúp kích thích vị giác, khiến người xem như đang được ăn hoặc thấy thư giãn đầu óc, còn những âm thanh trị liệu tinh thần như tiếng cọ tai (Ear cleaning, ear massage), tiếng giọt nước rơi (Water drop), tiếng đồng hồ (Clock ticking), tiếng chải tóc (Hair brushing)… sẽ giúp mọi người đi sâu vào giấc ngủ khi nằm đeo tai nghe và thả lỏng cơ thể", anh lý giải.

Cầm chiếc cọ trang điểm, chàng trai thoa nhẹ vào micro như đang trang điểm cho người đối diện, di chuyển theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại. Âm thanh này ban đầu có thể khiến người nghe lạ lẫm, thậm chí sởn da gà, nhưng lâu dần sẽ thấy dễ chịu, kích thích các giác quan. Tầm khoảng 4-5 phút, anh thay đổi đạo cụ, lấy tăm bông, tóc giả chà nhẹ, lặp đi lặp lại.

"Thỉnh thoảng, tôi sẽ kết hợp dùng máy phun sương tạo tiếng mưa, gõ nhẹ lên bàn để thêm âm thanh mới. Mọi cử chỉ, hành động của tôi phải thật cẩn thận, nhẹ nhàng. Khi gõ, cào phải theo nhịp điệu, không được gõ lộn xộn, ngẫu hứng. Nếu một người nghệ sĩ biết cảm nhạc, hát đúng tiết tấu, người làm ASMR cũng vậy. Chỉ cần mất tập trung gây lỡ nhịp, người nghe sẽ khó chịu và bị gián đoạn quá trình thư giãn", anh chia sẻ.

Hải Đăng cho biết trung bình mỗi người cần 15 phút để có thể đi vào giấc ngủ, với người khó ngủ sẽ mất khoảng 2-3 tiếng. Thông thường, nếu phát trực tiếp, anh sẽ làm video có thời lượng khoảng một tiếng. Khi người nghe đã say giấc, nếu video trên điện thoại hoặc máy tính vẫn phát, sóng từ thiết bị điện tử sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Đa số khán giả sẽ để máy xem cho đến lúc buồn ngủ, có người ngủ thiếp đi. Tôi sẽ chủ động tắt máy để nếu lỡ trường hợp khán giả đang ngon giấc thì cũng không bị ảnh hưởng từ ánh sáng điện thoại", anh nói.

Tương tự Hải Đăng, Minh Hằng (23 tuổi, TP.Hà Nội) cũng làm ASMR trị liệu hơn một năm qua. Ban đầu, cô khá lúng túng khi học cách tương tác với đồ vật, diễn trước ống kính.

"Để tạo ra tiếng những ngón tay dính (Sticky sounds), tôi phải dùng tay đụng vào băng keo, gel, đồ chơi slime, thậm chí dùng mật ong làm nhờn tay. Lúc mới tập, tôi thao tác chưa uyển chuyển khiến âm thanh phát ra gây khó chịu, những miếng slime dính vào nhau và không gỡ ra được. Dù bực bội, nhưng người làm ASMR luôn phải kiểm soát cảm xúc trên gương mặt, vì đây là bộ môn cho khán giả thư giãn", Hằng tâm sự.

Ngoài việc tạo âm thanh, cô còn đầu tư đa dạng màu sắc đạo cụ, chăm chút ngoại hình, luôn đổi mới để người xem không bị chán. Lắp đặt ánh sáng với gam màu trầm ấm, dịu mắt cũng là cách cô giúp họ ngủ ngon hơn.

"Mỗi lần xuất hiện, tôi sẽ thay đổi một kiểu tóc, phong cách trang điểm khác nhau. Kể cả màu móng tay hay màu sắc của bộ cọ, bàn chải, đồ chơi để tạo hứng thú, tò mò cho người theo dõi kênh mình", cô nói.

Phía sau camera

Sau mỗi lần làm video hoặc phát trực tiếp, khán giả say giấc, nhưng Nga Chan phải dọn dẹp đống đồ đạc của mình đến 4h sáng. Trước màn ảnh là khung cảnh yên bình, nhưng phía sau chỗ cô ngồi là đủ loại vỏ bánh, kẹo, gia vị, đạo cụ, trang sức…

"Làm nghề giúp mọi người ngủ ngon, nhưng tôi thường xuyên mất ngủ. Thức khuya quá giấc, sinh hoạt không điều độ khiến sức khỏe tôi có vấn đề. Tôi còn bị bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa khi phải ăn đêm và ăn nhiều. Có đợt, tôi phải nghỉ làm 2-3 tuần liền vì đau dạ dày, mệt mỏi vì làm liên tục trong thời gian dài", cô tâm sự.

Nga kể cô từng làm Mukbang ASMR một năm, sau đó dừng lại vì không đủ kinh phí. Đến đầu năm nay, khi có thu nhập ổn định, cô mới tiếp tục trở lại với đam mê. Tâm huyết là thế, nhưng cô không tránh khỏi áp lực dư luận.

"Nhiều khi đang livestream, tôi đọc được một số bình luận khiếm nhã, ác ý như chửi bới rằng đầu óc tôi không bình thường, ăn mà không nói chuyện, thậm chí nói tôi câm, điếc… Thời gian đầu, tôi rất buồn bã, nhiều khi đang ăn phải sững lại hoặc suýt bật khóc trước khán giả", cô nói.

Còn với Hải Đăng, anh cũng nhiều lần bực mình đến khóc òa vì sự ồn ào ở ký túc xá nơi anh đang ở dù đã nửa đêm.

"Trong lần livestream với hơn 2.000 người xem, tôi bị phân tâm vì tiếng trêu chọc của những người phòng bên. Họ không hiểu về ASMR và cho rằng tôi đang làm trò điên khùng. Tính chất của nghề thường không được nói lớn hay làm ảnh hưởng tới khán giả nên tôi nhẹ nhàng cúi đầu xin lỗi mọi người và phải kết thúc buổi đó sớm hơn mọi ngày", anh nói.

Trong khi đó, vào những hôm phải cầm một vật lên cao hay giữ nguyên cố định gần micro trong thời gian dài, tay Minh Hằng run bần bật, tê cứng. Cô cho biết còn không được thở mạnh hay phát ra tiếng ho, hắt xì dù đang bị bệnh.

"Có thời điểm tôi bị viêm họng nặng và phải nghỉ nửa tháng vì liên tục sử dụng kỹ thuật tạo tiếng thì thầm (Whispering). Khán giả yêu thích và thấy được thoải mái với nó nên tôi chiều theo. Hiện tại, tôi cố gắng cân bằng sức khỏe để theo đuổi nghề dài lâu", cô nói.

Khó sống tốt với thu nhập từ ASMR

Ở Việt Nam, ngành sáng tạo nội dung ASMR còn khá mới mẻ và có ít cơ hội để người trẻ gắn bó với nghề. Sau 2 năm làm việc, Hải Đăng thừa nhận có thu nhập không đáng kể.

Anh cho biết chỉ ít tháng, mình đạt thu khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn lại dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng, chủ yếu nhờ hoạt động quảng cáo liên kết trên nền tảng mạng xã hội. Chi phí này chỉ đủ anh trang trải tiền trọ, sinh hoạt hàng ngày.

Đồng quan điểm với Hải Đăng, Minh Hằng hiện chỉ coi ASMR là nghề tay trái vì thu nhập thấp, không ổn định. Cô chỉ kiếm được từ 3-4 triệu đồng mỗi tháng nhờ quảng bá sản phẩm trong video của mình.

May mắn hơn Hải Đăng và Minh Hằng, Nga Chan có thể kiếm 50-60 triệu đồng/tháng nhờ tiếp cận được đối tượng khán giả trong và ngoài nước. Cô cho biết ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn lạ lẫm với nghề sáng tạo ASMR, thậm chí một số còn cho đây là chiêu trò nhảm nhí. Bởi vậy, ít nhà sáng tạo trẻ dám theo đuổi và kiên trì gắn bó.

Trái ngược ở Việt Nam, trên thế giới, sáng tạo nội dung ASMR là nghề có thu nhập khá hấp dẫn và tiềm năng.

Theo The List, tài khoản Jane ASMR (23 tuổi, Hàn Quốc) là người có thu nhập cao nhất trong ngành nghề này với gần 9 triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Cô kiếm được 500.000 USD/tháng nhờ làm nội dung về âm thanh ẩm thực.

Còn theo Dexerto, tài khoản Hongyu ASMR (Hàn Quốc) có 4,57 triệu người theo dõi, kiếm được 3,6 triệu USD/năm và Zach Choi (Mỹ) có 9,21 triệu lượt theo dõi, kiếm được 3,5 triệu USD/năm.

Được biết, trong số 25 người làm ASMR nổi tiếng trên thế giới, mức thu nhập trung bình của họ khoảng 1,2 triệu USD/năm.

Theo một nghiên cứu từ khoa Tâm lý tại Đại học Sheffield (Anh), ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response, tạm dịch: Phản ứng kích thích cảm giác tự động) tạo ra "cảm giác ngứa ran ở đỉnh đầu, phản ứng với một loạt các yếu tố kích hoạt nghe nhìn như thì thầm, gõ nhẹ và chuyển động tay".

Hiện tại vẫn chưa rõ nguồn gốc chính xác của từ ASMR. Thuật ngữ này được cho là bắt nguồn từ một người phụ nữ có tên Jennifer Allen, theo Washington Post, trong bài báo "A whisper, then tingles, then 87 million YouTube views: Meet the star of ASMR" (2014).

Năm 2012, Steven Novella, một nhà thần kinh học lâm sàng tại Đại học Yale (Mỹ) đã so sánh ASMR với một cơn động kinh "dễ chịu".

Còn tờ New York Times gọi ASRM là một hiện tượng của mạng xã hội. Các video ASRM ngày càng phổ biến, với hàng triệu người tìm đến nghe mỗi ngày.

Nghề mẫu đặc biệt, chỉ để lộ đôi tay

Phan Thùy (23 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã có hơn 3 năm theo đuổi nghề mẫu tay. Đây là bộ phận cô phải chăm sóc, học cách lấy cảm xúc hàng ngày.

Thanh Nga

Bạn có thể quan tâm