Cá biệt, có người thì toàn bộ mặt trở nên đen sì như Bao Công. Một bệnh nhân nữ 41 tuổi từ Bắc Ninh đến Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội) hôm 14/10 trong tình trạng da mặt không đều màu, trên da xuất hiện nhiều đám đen và đám nhạt màu lẫn lộn.
Bệnh nhân cho biết đã đi điều trị nám má từ hai năm trở lại đây và chỉ hai tháng sau khi điều trị trên da bắt đầu có biến chứng, với những mảng đen và nhạt màu lẫn lộn khiến bề mặt da rất xấu. Càng thấy xấu, bệnh nhân càng đi spa chăm sóc da và sẵn sàng mua đủ các loại thuốc về bôi, nhưng kết quả càng ngày càng tệ hại.
Theo thạc sĩ Vũ Thái Hà - phó trưởng khoa D1 Bệnh viện Da liễu T.Ư, biểu hiện của nữ bệnh nhân này là rối loạn sắc tố da sau điều trị nám. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều chị em gặp những biểu hiện như vậy khi điều trị không đúng cách.
Muốn đẹp hóa xấu
Một thời gian ngắn không gặp, bạn bè bất ngờ khi thấy chị L.T.H. (ở phố Tây Sơn, Hà Nội) xấu đi quá nhiều. Vốn là quan chức cấp sở ở Hà Nội, tuổi chỉ vừa chớm 40 nên chị H. rất chăm chỉ làm đẹp.
Các biện pháp săn sóc da, nâng cơ mặt, chống chảy xệ, chống lão hóa da... chị đều đã thử qua hết. Gần đây nhất, một thẩm mỹ viện quen khuyên chị nên sử dụng kỹ thuật laser điều trị nám má.
Các trường hợp bị rối loạn sau điều trị nám. |
Theo tư vấn của thẩm mỹ viện, thế hệ laser màu mới nhất có thể loại bỏ 80-95% nám da, là kết quả mà không công nghệ nào có thể vượt qua, đồng thời có thể trị được cả nám sâu, nám hỗn hợp - loại nám mà các phương pháp khác đều thất bại.
Tuy nhiên đẹp đâu không thấy, mà chỉ một thời gian ngắn sau khi điều trị nám, da chị H. bắt đầu xuất hiện các đốm đen như chân nhang mọc chi chít hai bên má khiến các lớp trang điểm bất lực, ai nhìn thấy chị H. cũng phải ái ngại.
TS Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho rằng công nghệ laser có hiệu quả trong điều trị bớt sắc tố bẩm sinh, nhưng trong điều trị nám thì ngay tại Mỹ đây cũng không phải là biện pháp đầu tay, mà các bác sĩ vẫn sử dụng thuốc uống, thuốc bôi tại chỗ, nếu kết quả không khả quan mới nghĩ đến laser.
Theo TS Quang, một trong những quan ngại sau điều trị laser là chứng rối loạn sắc tố da, trong đó có thể là giảm sắc tố khiến trên da hình thành các mảng trắng hơn bình thường, hoặc tăng sắc tố là các mảng đen hơn màu da bình thường. “Da người châu Á được xếp vào nhóm dễ kích ứng với ánh sáng và dễ bị rối loạn sắc tố da sau điều trị laser”, ông Quang nhận xét.
Tuy nhiên, công nghệ laser điều trị nám đang là một thứ “mốt” với các bà, các chị. Dạo một vòng qua các thẩm mỹ viện, spa lớn, công nghệ laser đang được quảng cáo như một phương pháp đầu bảng để “trị nám vĩnh viễn”, kể cả các trường hợp nám mảng (mọc thành từng mảng trên da), nám sâu (nám có chân nằm sâu dưới lớp trung bì của da) và nám hỗn hợp (vừa có nám mảng, vừa có nám sâu).
Trong khi theo TS Quang, rất khó điều trị trong các trường hợp nám sâu, bản chất của laser là mài mòn phần nám ở phần nông của da, nếu không giữ gìn thì sau điều trị nám sẽ tiếp tục xuất hiện.
Không nên tùy tiện làm đẹp
Giở ảnh các bệnh nhân mới tới điều trị rối loạn sắc tố sau điều trị nám da, thạc sĩ Vũ Thái Hà cho biết ngày càng đông các nạn nhân làm đẹp phải đến bệnh viện. Họ là nạn nhân của các loại kem trộn không rõ thành phần, mủ trôm hoặc các “công nghệ” làm đẹp không rõ nguồn gốc.
Có nhiều loại tổn thương sau khi chị em tùy tiện làm đẹp. Theo thạc sĩ Hà, đó có khi là những đám không đều màu trên da, có khi là đốm đen như chân nhang ở hai má, nhưng có người thì toàn bộ mặt trở nên đen sì như Bao Công! Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả này, trong đó có trường hợp bệnh nhân đã sử dụng một số thuốc (có khi là kháng sinh) không phù hợp với điều trị laser, nhưng thẩm mỹ viện vẫn chỉ định trị nám bằng laser.
“Cũng có khi bệnh nhân nghe theo người quen mua kem trộn hoặc sử dụng laser theo hướng dẫn của người quen, mà thường là người quen của bệnh nhân mới làm đẹp 2-3 tháng, chưa xuất hiện biến chứng. Họ không biết là một thời gian sau những biến chứng ấy mới xuất hiện”, thạc sĩ Hà cho biết.
“Với những bệnh nhân rối loạn sắc tố da mức độ như bệnh nhân ở Bắc Ninh kể trên, chúng tôi chỉ chỉ định bệnh nhân dùng kem chống nắng và... chờ đợi, 3-6 tháng sau mới có chỉ định thêm các biện pháp khác. Với mức độ tổn thương da như vậy thì phải hai năm điều trị mới có thể phục hồi, nhưng bệnh nhân thường rất thất vọng khi nghe tư vấn như vậy”, thạc sĩ Hà chia sẻ.
Phòng nám dễ hơn trị
Theo TS Nguyễn Minh Quang, phòng nám bao giờ cũng dễ hơn so với đi điều trị nám. Một trong những biện pháp phòng nám hiệu quả là ra khỏi nhà bôi kem chống nắng, kể cả trong những ngày trời râm mát. “Tế bào sắc tố da có chức năng bảo vệ da, nhưng khi tiếp xúc với nắng quá nhiều thì nám là biểu hiện tế bào sắc tố da bị tổn thương”, TS Quang nói.
Cũng theo TS Quang, các chị em thường bị nám má trong quá trình sinh nở do thay đổi nội tiết, những vết nám ấy có thể hết sau khi em bé ra đời nhưng cũng có những trường hợp không hết nám.
Có khi ở lứa tuổi trên dưới 40, tài chính khá giả nhưng nám da lại xuất hiện và chị em có mong muốn làm đẹp hơn nhiều so với khi còn trẻ. Rất nên đến tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để được trị nám hiệu quả, chứ không nên làm đẹp tùy tiện để rồi lãnh hậu quả lâu dài.